Chuyện “kỳ quan thứ tám”

(NTO) Trong lần về thăm quê vào dịp Tết nguyên đán, cô bạn học thời phổ thông nay làm việc ở nước ngoài đột nhiên hỏi: Này bồ, từ xưa đến nay chỉ có bảy kỳ quan thế giới, sao giờ mình nghe có kỳ quan thứ tám. Tôi ngạc nhiên không kém: Hay bồ nghe nhầm bảy thành tám.

Rồi chợt như luồng điện chạy qua, tôi đính chính: Bồ nhớ không, hồi học cấp ba thầy giáo dạy môn Sinh học từng ví thuốc Penicillin như kỳ quan thứ tám bởi nó chữa được bách bệnh. Những người tạo ra Penicillin gồm Flemming, Chain, Florey đã được trao Giải thưởng Nobel Y học vào năm 1945. Nghe xong, cô bạn dội gáo nước lạnh: Kỳ quan Penicillin thời học trò ai mà chẳng biết, bật mí nhé: Kỳ quan thứ tám của thế giới là một thuật ngữ đôi khi được sử dụng để nói về những thứ có thể so sánh với bảy kỳ quan của thế giới cổ đại về mức độ ảnh hưởng của nó.

Ra vậy, tôi đành xuống nước. Cô bạn thành thật: Nếu biết tớ đâu có hỏi, bồ tìm hiểu xem rồi cho mình biết. Lục tìm trong bộ nhớ, tôi dần hiểu ra chuyện “Kỳ quan thứ tám”. Ví như, ông nội tôi là bộ đội tham gia hai thời kỳ kháng chiến, cho rằng: Pháp-Mỹ mạnh nhất nhì thế giới, ta còn chiến thắng, thì chẳng có gì mà ta không làm được. Thế rồi, sau khi đất nước thống nhất, cụ nghỉ hưu, được tổ chức bố trí làm công tác ở phường. Vốn tư duy quân sự thời chiến, cụ cho rằng “tư tưởng không thông mang bình tông không nổi” (bình nhôm đựng nước của bộ đội, dung tích khoảng 1 lít). Thế nên, trong hội họp hay triển khai thực hiện công tác, các cụ yêu cầu cứ bàn tới không được bàn lùi, ai có ý khác là bệnh tư tưởng, trái ý thì kiểm điểm xem xét... Và rồi tất tần tật từ vận động vào hợp tác xã đến sản xuất cây gì, nuôi con gì, số lượng bao nhiêu, ai thực hiện đều tuân theo sự phân công kiểu “Quân lệnh như sơn” (mệnh lệnh quân sự phải tuyệt đối thi hành). Có lẽ tư duy đánh giặc giỏi thì quản lý xã hội, làm kinh tế ắt sẽ giỏi là một trong những nguyên nhân hình thành bệnh hành chính, quan liêu. Sau này, cánh trẻ nói vui: Các cụ đích thực là “Penicillin” (kỳ quan thứ tám). Đó là chuyện “ngày xưa”, còn ở cơ quan bạn tôi thì “mỗi người phải giỏi việc mình làm, đồng thời biết việc người khác”. Khổ nỗi, cậu chuyên viên tổng hợp cơ quan than: Việc đâu ra nhiều thế, làm việc mình chưa xong sao có thời gian nghiên cứu biết thêm được chuyên môn khác!? Chẳng là cậu vốn có bằng chuyên ngành Luật hành chính nên tham mưu tổng hợp, giải quyết công việc văn phòng nhanh, hiệu quả, được cấp trên tin tưởng. Cứ tưởng, với trình độ chuyên sâu, năng lực công tác xuất sắc, cậu phù hợp với công tác văn phòng nhưng rồi cấp trên điều động đảm nhiệm lĩnh vực công tác mới. Bạn bè mừng: Cấp trên tin tưởng, cậu ráng thực hiện tốt nhiệm vụ mới… Vốn trách nhiệm cao trong công tác, cậu tự hứa sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhưng kết quả cụ thể ra sao cần có thời gian. Nghe xong, cô bạn như bừng tỉnh, cười: Người cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết, cũng làm được chính là “Kỳ quan thứ tám”, đơn giản thế mà nay mới biết. Rồi cô dịu giọng: Ở nước ngoài, các nhà lãnh đạo quản lý rất trọng dụng chuyên gia, họ là những người có kinh nghiệm, thành thạo trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó và chỉ chuyên tâm một công việc.

Chuyện “Kỳ quan thứ tám” giờ chỉ còn là truyện ngụ ngôn nhưng ở đâu đó vẫn còn hiện tượng sử dụng con người chưa đúng với năng lực, sở trường của họ. Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn trọng dụng người hiền tài, những nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia giỏi được ưu đãi sử dụng cống hiến tài năng cho sự nghiệp xây dựng đất nước.