Thuận Bắc: Khởi sắc đón xuân về

(NTO) Về huyện Thuận Bắc vào những ngày cuối năm 2015, chúng tôi cảm nhận hơi ấm của mùa xuân mới Bính Thân 2016 đang lan tỏa khắp các làng quê. Hòa chung khí thế chào đón năm mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đang vui mừng, phấn khởi bước vào một giai đoạn mới, hứa hẹn những thành công mới.

Dấu ấn năm 2015

Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015, huyện Thuận Bắc đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần chủ động, địa phương đã chỉ đạo các xã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; tranh thủ có hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng một số công trình dân sinh thiết yếu phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. Nhờ đó, nếu nhìn một cách tổng thể, bức tranh kinh tế của huyện trong năm qua vẫn có nhiều nét tươi sáng.

 
Một góc trung tâm huyện Thuận Bắc.

Đồng chí Lê Kim Hoàng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Trong tổng số 14 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 1.918 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 24,5 tỷ đồng, tăng 151% so với cùng kỳ. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 983 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch. Lĩnh vực văn hóa-xã hội chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện tốt. Các chỉ số về thu nhập, dùng nước sạch, điện thoại… cũng ngày một tăng nhanh.

Điểm đáng chú ý trong công tác điều hành phát triển kinh tế của huyện Thuận Bắc thời gia qua, đó là để chủ động đối phó với tình hình nắng hạn, ngoài việc triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời cho Nhân dân, địa phương còn đầu tư kinh phí sửa chữa, đào mới 107 giếng nước, 15 ao chứa nước để bơm chuyền chống hạn cho cây trồng và phục vụ chăn nuôi gia súc. Nhờ đó, nhiều địa phương vẫn duy trì được sản xuất, với tổng diện tích gieo trồng 5.241ha, sản lượng lương thực đạt 17.847 tấn. Các mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, heo trên địa bàn cũng đang ngày càng phát triển, với tổng đàn hiện có trên 53.000 con. Đặc biệt, trước yêu cầu xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đẩy nhanh việc quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng ngày càng kiên cố hóa. Đến nay, huyện Thuận Bắc đã có 2 xã là Công Hải và Bắc Phong được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã còn lại đều đạt từ 6-11 tiêu chí.

 
Bộ mặt nông thôn xã Bắc Phong ngày càng khởi sắc.

Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và du lịch cũng có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Ngoài một số nhà máy đã đi vào hoạt động, tạo nguồn thu ổn định, như: Nhà máy Xi-măng Luks, Nhà máy Chế biến đá Granite..., địa phương còn có nhiều dự án tiềm năng, như: Trạm Nghiên cứu thực nghiệm giống dê, cừu; Dự án Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao; Dự án Điện gió..., đang trong giai đoạn triển khai. Đặc biệt, trong năm qua, các sản phẩm mới như sản xuất bao bì và chế biến rong sụn của Nhà máy Rau câu Sơn Hải đã phát huy năng lực sản xuất mới, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng trên địa bàn đạt 1.176 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Điều đó cho thấy, nền kinh tế của huyện đang có sự chuyển biến rõ nét.

Hướng mở năm 2016

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Bắc lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, phấn đấu đến năm 2020 đưa giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân 15,1%. Theo đó, địa phương đã chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ và nông nghiệp. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu trên, theo đồng chí Lê Kim Hoàng, huyện xác định có 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp chính cần tập trung thực hiện. Trước mắt, trong năm 2016, huyện vẫn lấy nông nghiệp làm ngành sản xuất chính để ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng quy hoạch ngành trồng trọt để chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu cây trồng theo hướng tăng cường áp dụng khoa học-công nghệ, phát triển mạnh các cây trồng có nhu cầu sử dụng ít nước phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng của địa phương. Cùng với đó, huyện huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thông qua việc lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã và khu trung tâm huyện, nhằm từng bước nâng cao đời sống Nhân dân.

 
Nhà máy Xi -măng Kim Đỉnh, một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Thuận Bắc.
Ảnh: Văn Miên

Cũng theo đồng chí Lê Kim Hoàng, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, giai đoạn 2016-2020. Do đó, đây không chỉ là quyết tâm chính trị mà còn là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong huyện, nhất là trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Theo đó, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, huyện Thuận Bắc sẽ đầu tư phát triển mới thêm 214 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 2.851 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực giao thông có 81 dự án, thủy lợi 21 dự án, giáo dục 23 dự án, điện-nước 71 dự án và các lĩnh vực khác 18 dự án.

Huyện kiến nghị tỉnh tiếp tục thúc đẩy các dự án lớn trên địa bàn như: Khu Công nghiệp Du Long, Khu Du lịch Bình Tiên, Ganessa Phước Chiến và một số dự án khác đã có chủ trương đầu tư. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh bằng việc thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đối với địa bàn. Tiếp tục rà soát thực trạng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt để có kế hoạch tập trung thực hiện, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí đặt ra theo kế hoạch, phấn đấu trước năm 2020 có thêm 2 xã là: Lợi Hải và Phước Chiến đạt tiêu chí về nông thôn mới.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cộng với những giải pháp cụ thể đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra, tin rằng Thuận Bắc sẽ có thêm nhiều vận hội mới để phát triển toàn diện hơn.