Nhộn nhịp du khách tại các “điểm đến” văn hóa Chăm

(NTO) Nằm trong chuỗi du lịch văn hóa độc đáo của tỉnh ta, Khu di tích Tháp Pô-Klong Garai và các làng nghề gốm, dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Có mặt tại hai làng nghề gốm Bàu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp vào những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, chúng tôi thấy có rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Du khách không chỉ ấn tượng với các sản phẩm gốm và thổ cẩm mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm mà còn rất thích thú khi được trực tiếp chứng kiến bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làm gốm, dệt vải... Các cơ sở sản xuất gốm và dệt thổ cẩm cho biết, lượng khách đến tham quan, mua sắm dịp này đông hơn, sức mua cũng tăng. Bà Thuận Thị Trào, phụ trách của hàng trưng bày của HTX dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết, lượng khách đến tham quan tại khu trưng bày khá đông, có cả khách “ phượt lẻ” và khách đến từ các tỉnh, thành phố đi theo tour du lịch, ngoài ra còn có khách nước ngoài đến tìm hiểu văn hóa đặc trưng của làng nghề. Ngoài việc trưng bày và bán các sản phẩm dệt, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn khung dệt cho du khách trải nghiệm khi có yêu cầu.

Khách du lịch tham quan, mua sắm và chụp ảnh lưu niệm tại làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Một nhóm bạn trẻ là sinh viên đến từ TP.Hồ Chí Minh thích thú chia sẻ về chuyến du ngoạn các làng nghề ở Ninh Phước. Đại diện cho nhóm, bạn Duy Xuyên bày tỏ: Điều làm chúng tôi ấn tượng về 2 làng nghề Chăm ở Ninh Thuận là không chỉ có HTX làm du lịch mà các cơ sở của người dân cũng làm du lịch rất tốt. Khách đến tham quan được đón tiếp nồng hậu, được xem nghệ nhân làm, lại còn được thử các trang phục truyền thống, chụp ảnh lưu niệm. Đặc biệt tại làng gốm Bàu Trúc, chúng tôi đã có một sự trải nghiệm lý thú khi tự tay làm ra một sản phẩm gốm “xoay” cả người!

Du khách, đặc biệt là các bạn trẻ rất thích thú khi được trải nghiệm cách làm gốm độc đáo
của làng Bàu Trúc.

Nghệ nhân Đàng Thị Gia ở làng gốm Bàu Trúc đang chỉnh sửa lại tác phẩm
của bạn Hải Lý- một sinh viên ở TP.Hồ Chí Minh đến tham quan và trải nghiệm cách làm gốm.

Tọa lạc trong lòng đô thị “trẻ” Phan Rang-Tháp Chàm, Khu di tích Tháp Pô-Klong Garai cũng nhộn nhịp khách du lịch. Chị Phan Thị Bích Hạnh, nhân viên quầy vé Khu di tích cho biết: Trong những ngày đầu của dịp nghỉ lễ, lượng khách đến tham quan tại Tháp đông hơn hẳn mọi năm, thậm chí còn đông hơn dịp nghỉ Tết nguyên đán vừa rồi. Nếu hai ngày đầu của kỳ nghỉ, khách đến lưa thưa nhưng từ ngày 30-4, lượng khách tăng đáng kể. Ban quản lý phải cắt cử thêm nhân viên trông xe vì lượng khách đi xe máy từ các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam bộ khá là đông. Đến nay, Khu di tích đã đón hơn 4.000 lượt khách tham quan, mua sắm.

Nhộn nhịp du khách tham quan Tháp Pô-klong Garai dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Anh Trần Văn Tuấn ở Nha Trang tham quan khu di tích Tháp Pô-Klong Garai chia sẻ: Chúng tôi đi theo tour tham quan các tỉnh miền Tây nhưng trong lịch trình lại có điểm đến là cụm Tháp-làng nghề Chăm ở Ninh Thuận vì theo giới thiệu của công ty lữ hành Good Travel thì đây là những điểm đến độc đáo để tìm hiểu nền văn hóa Chăm. Đoàn khách chúng tôi tỏ ra thích thú khi đặt chân đến đây vì khung cảnh đẹp, tuy có hơi nắng nhưng mát mẻ và bị lôi cuốn bởi các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm gốm và dệt may độc đáo của người Chăm để mua làm quà cho người thân. Mặc dù thời gian lưu lại khá là ít nhưng theo chủ quan của tôi thì văn hóa Chăm thực sự là một điểm đến lý thú của du lịch Ninh Thuận!