Đô thị biển Cà Ná

(NTO) Với lịch sử trên 200 năm hình thành và phát triển, địa danh Cà Ná đã trở thành “thương hiệu mạnh” của tỉnh trong hoạt động khai thác, chế biển hải sản, hậu cần nghề cá và dịch vụ du lịch.

Với chiều dài tiếp giáp Quốc lộ 1A hơn 8 km và cửa ngõ phía Nam của tuyến đường ven biển đã góp phần quan trọng đưa đời sống kinh tế của cư dân Cà Ná phát triển. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương huy động mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng xã Cà Ná đạt chuẩn đô thị loại V vào cuối năm 2015.

Đô thị biển Cà Ná.

Nhịp sống đô thị biển

Trở lại vùng biển Cà Ná vào những ngày toàn tỉnh phấn khởi chào mừng 40 năm giải phóng quê hương Ninh Thuận, chúng tôi được hòa mình vào đời sống nhộn nhịp “trên bến dưới thuyền” của cư dân địa phương. Hàng trăm chiếc thuyền công suất lớn vươn ra đánh bắt khơi xa trở về cập cảng. Các loài hải sản tươi nhanh chóng được các nậu thu mua vận chuyển tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt sản phẩm nước mắm và cá hấp “made in” Cà Ná có chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng khắp cả nước ưa chuộng. Nguồn lợi từ khai thác, chế biến hải sản đã đem lại đời sống no ấm cho người dân địa phương sau 40 năm quê hương hoàn toàn giải phóng. Xóm làng Cà Ná phát triển sầm uất vào diện bậc nhất các vùng nông thôn ven biển của tỉnh.

Toàn xã Cá Ná hiện có 1.970 hộ với trên 10.200 nhân khẩu sinh sống chủ yếu dựa vào nguồn đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản và thương mại- dịch vụ. Đội tàu thuyền của ngư dân lên đến 346 chiếc với tổng công suất 51.000 CV, bình quân 150 CV/chiếc, được trang bị thiết bị kỹ thuật hiện đại vươn ra bám biển đánh bắt dài ngày. Sản lượng hải sản khai thác trong năm 2014 vừa qua của xã Cà Ná đạt 16.000 tấn, vượt 1.000 tấn so với kế hoạch, chiếm 22 % sản lượng toàn tỉnh. Nhiều ngư dân sản xuất-kinh doanh giỏi đạt danh hiệu tỷ phú ở làng biển Cà Ná như: Trần Ba, Lê Non, Lê Văn Thái… Người dân địa phương có mức thu nhập bình quân 26 triệu đồng/năm, số hộ nghèo hiện còn 2,2%, chủ yếu do già yếu neo đơn, mất sức lao động. Đời sống ngư dân no ấm, bà con dành dụm vốn liếng xây dựng nhà ở khang trang, tạo nên diện mạo tươi mới, hình thành vùng đô thị biển trong nay mai.

Mùa đánh bắt cá vụ Nam của ngư dân Cà Ná.

Trò chuyện với lão ngư Trịnh Văn Đậm, 80 tuổi, người có uy tín của khu dân cư Lạc Nghiệp 1, ông phấn khởi nói: “Tôi sinh trưởng ở làng biển Cà Ná, cuộc sống bà con bây giờ tăng trưởng gấp hàng chục lần so với hồi mới giải phóng. Nhà nước quan tâm xây dựng cảng biển to lớn, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho ngư dân sắm mới tàu thuyền công suất lớn vươn ra đánh bắt khơi xa. Nhiều gia đình nuôi con ăn học thành đạt, trở về quê công tác, góp phần xây dựng tỉnh nhà. Với vai trò người cao tuổi, tôi vận động bà con thôn xóm chung tay cùng với chính quyền địa phương xây dựng xã Cà Ná trở thành đô thị biển ngày càng giàu đẹp”.

Động lực kinh tế phía Nam

Cà Ná là điểm “hợp lưu” thông thương của tuyến đường ven biển nối liền Quốc lộ 1A và cảng biển, đường sắt. Điều kiện giao thông thuận lợi đưa địa phương trở thành động lực phát triển kinh tế phía Nam của huyện Thuận Nam. Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cà Ná nhiệm kỳ 2015-2020 xác định: “Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển; phấn đấu xây dựng xã Cà Ná đạt tiêu chí đô thị loại V theo hướng bền vững”.

Từ giữa năm 2014 đến nay, đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân chuẩn bị tâm thế cho công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn đô thi loại V vào năm 2015. Tính đến nay, địa phương đã đạt các tiêu chí cân đối thu chi ngân sách, mức thu nhập bình quân người/năm, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm, đất xây dựng công trình công cộng, cấp điện sinh hoạt, đầu mối giao thông tiểu vùng, thuê bao điện thoại... UBND huyện Thuận Nam cũng đã có chương trình đầu tư gần 500 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng cho Cà Ná, bao gồm: Hệ thống giao thông đô thị, điện chiếu sáng, cấp nước sinh hoạt, cơ sở y tế, giáo dục, các công trình phúc lợi xã hội.

Thắng cảnh Cà Ná.

Với hệ thống cảng biển được xây dựng hiện đại đáp ứng cho 1.200 tàu thuyền neo đậu, đã đưa Cà Ná trở thành điển đến của ngư dân khu vực Nam Trung Bộ trong việc mua bán hải sản, tiếp nhận nhiên liệu. Đồng thời, Cà Ná là một trong những bờ biển đẹp tiêu biểu của tỉnh ta. Tại đây có điểm đặc sắc bậc nhất Việt Nam là hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy cách nhau chỉ khoảng 5 m. Với điều kiện thiên nhiên sơn thủy hữu tình, việc xây dựng Cà Ná trở thành đô thị sẽ thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng vùng biển đẹp nổi tiếng trên tuyến đường thiên lý Bắc Nam. Đồng thời tạo điểm nhấn kết nối du lịch tuyến đường ven biển Cà Ná-Mũi Dinh, Ninh Chử-Vĩnh Hy…

Đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã Cà Ná cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy địa phương trong thời gian tới là tranh thủ nguồn vốn đầu tư của cấp trên và huy động các nguồn lực xã hội tích cực tham gia xây dựng Cà Ná đạt chuẩn đô thị loại V. Việc xây dựng Cà Ná đạt chuẩn đô thị góp phần quan trọng phát triển địa phương theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Cà Ná phát triển tàu thuyền đạt công suất 60.000 CV, khai thác hải sản đạt 18.400 tấn, sản lượng nước mắm đạt 86 triệu lít, chế biến cá khô đạt 7.900 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Đời sống kinh tế-xã hội Cà Ná phát triển tạo động lực cho sự phát triển của toàn huyện Thuận Nam.