Thế giới tuần qua

1. Dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời ủng hộ chủ trương kiềm chế và các biện pháp hòa bình của Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm ở Thủ đô Columbo, Sri Lanka (Xri Lan-ca) về tình hình Biển Đông do Hội Đoàn kết Sri Lanka-Việt Nam vừa tổ chức, Luật sư M.A Razwi (M.A Ra-dơ-vi) nói, Việt Nam đã có lịch sử lâu dài trong quản lý và thực thi chủ quyền của mình tại Hoàng Sa, mà một trong số đó là sự kiện ông Paul Doumer (Pôn Đu-me), Toàn quyền Đông Dương đã cho tiến hành nghiên cứu, khảo sát và xây dựng ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa từ năm 1899. Vì vậy, Hoàng Sa phải thuộc chủ quyền của Việt Nam. Luật sư M.A Razwi khẳng định, việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 là bất hợp pháp. Hơn nữa, Hoàng Sa với các đảo san hô, bãi cạn không có điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống nên không thể có riêng vùng biển tiếp giáp theo quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Do đó, giàn khoan Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông cũng cho rằng, giải pháp cần nhất lúc này là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Thức tỉnh cộng đồng quốc tế, kể từ ngày 2-5, ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam đến nay, có đến gần 80.000 bài báo viết về sự kiện này trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Những hãng thông tấn lớn như CNN, Reuter, AP,… đã cử phóng viên tham gia Đoàn nhà báo được phía Việt Nam cho phép ra thực địa đưa tin. Đặc biệt, CNN là một trong số nhiều hãng thông tấn nước ngoài có những tin viết sâu, phân tích và miêu tả chi tiết về những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở thực địa qua bài viết của phóng viên Euan McKirdy (E.Mắc-cơ-đi). Bài viết này đã lột tả được bộ mặt hung tợn của những tàu chiến, tàu hải giám của Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn để tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Ngoài ra, các tờ báo chuyên sâu về phân tích địa chính trị, chiến lược ngoại giao như Foreign Policy, The Diplomatic,…thường xuyên có những bài bình luận, dẫn lời các chuyên gia chính trị nhận định về tình hình Biển Đông và chỉ trích những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Liên quan đến Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines (Phi-lip-pin) ngày 26-6 lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố lãnh thổ bành trướng phi lý và đi ngược lại luật pháp quốc tế, sau khi nước này xuất bản một bản đồ khổ dọc thể hiện “chủ quyền trên Biển Đông”, kéo dài đến tận bờ biển Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đáng chú ý, “Đường lưỡi bò” bây giờ được Trung Quốc thể hiện bằng đường 10 đoạn, thay vì 9 đoạn như trước đây, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

2. Mỹ đã yêu cầu Nga thể hiện thiện chí đối với lệnh ngừng bắn ở Ukraina (U-crai-na), bằng cách hỗ trợ giải giáp vũ khí của các nhóm vũ trang nổi dậy ở miền Đông Ukraina. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri) đã đưa ra yêu cầu này trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng NATO, nhưng cũng không quên cảnh báo Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt mới, nếu các hành động làm gia tăng căng thẳng tại miền Đông Ukraina không được chấm dứt.

Trước đó, một động thái nhằm thể hiện thiện chí với các nỗ lực hòa bình ở Ukraina, Thượng viện Nga đã bỏ phiếu rút lại quyền mà họ đã trao cho Tổng thống Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin), theo đó, cho phép Tổng thống ra lệnh can thiệp quân sự vào Ukraina. Tuy nhiên, Thượng viện Nga cũng tuyên bố sẵn sàng phục hồi quyền của Tổng thống về một hành động quân sự nhằm vào Ukraina, nếu thấy cần thiết.

3. Sau 3 ngày nhóm họp, Hội nghị Bộ trưởng châu Á về giảm nhẹ thiên tai tại Bangkok (Băng-cốc) - Thailand (Thái Lan) đã bế mạc ngày 26-6. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Bangkok về giảm nhẹ thiên tai, nhấn mạnh tầm quan trọng của tương tác khu vực và thúc đẩy đầu tư nhằm giúp châu Á phòng tránh hiệu quả hơn và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuyên bố kêu gọi các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng cường đầu tư cho các địa phương, với sự chú trọng đến từng ngôi làng, từng cộng đồng, nhằm xây dựng kế hoạch phát triển có tính tới vai trò các nhóm dễ bị tác động của thiên tai như phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật. Tuyên bố Bangkok kêu gọi đầu tư công cũng như hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực giảm nhẹ thiên tai.