Thế giới tuần qua

1. Trong những ngày qua, báo chí quốc tế tiếp tục đồng loạt đăng tải các tin tức và các bài bình luận về sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời va chạm với tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư của Việt Nam. Các báo đều nhận định, đây là hành động mang tính khiêu khích nhất của Trung Quốc trong thời gian qua.

Hãng tin Reuter viết: “Việc hạ đặt một cấu trúc lớn như giàn khoan Hải Dương-981 tại khu vực này được giới phân tích đánh giá là một bước leo thang căng thẳng nghiêm trọng”.

Cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức vào ngày 16-6 vừa qua đã trở thành tin tức đăng trên hầu hết các báo và kênh truyền hình lớn của thế giới như Reuter, AP, BBC, NHK,…

Trên Tạp chí “Thế giới đa cực” của Nga, Chuyên gia Dmitry Mosyakov (Đờ-mi-tri Mốt-da-cốp), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Úc và châu Đại dương thuộc Viện Phương Đông, đã phân tích hành động nguy hiểm của Trung Quốc trên vùng Biển Đông, đặc biệt là khi hạ đặt giàn khoan trong hải phận được công nhận là của Việt Nam theo Công ước về Luật Biển năm 1982.

2. Cuộc đàm phán khí đốt giữa Nga và Ukraina (U-crai-na) do Liên hiệp châu Âu (EU) làm trung gian vừa kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào và giới phân tích nhận định “cuộc chiến khí đốt” đã cận kề. Tuy nhiên, Ukraina còn đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến nữa-cuộc chiến chống ly khai ở miền Đông diễn ra gay gắt. Điều đáng lo ngại là 2 cuộc chiến nêu trên không chỉ đẩy Ukraina lâm vào khốn cùng, mà còn tác động tiêu cực đến kinh tế và an ninh toàn khu vực.

Trong cuộc đàm phán vừa kết thúc, Kiev (Ki-ép) đề xuất sẽ thanh toán khoản nợ khí đốt 1,9 tỷ USD theo giá 326 USD/1.000m3 trong vòng 18 tháng để có thể tiếp tục đàm phán đi đến thỏa thuận dài hạn hơn về vấn đề này. Trong khi đó, Nga đã đặt hạn chót sẽ chuyển sang hình thức trả trước nếu đến ngày 16-6, Ukraina không thanh toán ít nhất là một phần nợ khí đốt của năm 2013 (1,95 tỷ USD).

Một động thái liên quan, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko (Pê-trô Pô-rô-xen-cô) đã ra lệnh ngừng bắn một tuần (từ 20 đến 27-6) ở miền Đông nước này, nhưng ông cũng cảnh báo lực lượng chống chính phủ ở khu vực này có thể phải đối mặt với cái chết nếu họ không tận dụng khoảng thời gian này để hạ vũ khí. Lệnh ngừng bắn, như một phần của kế hoạch hòa bình 14 điểm. Trong đó, Nga một lần nữa thúc giục Kiev chấm dứt chiến tranh quân sự mà Nga cho là mang tính trừng phạt tại miền Đông nước này.

3. Tình hình an ninh ở Iraq (I-rắc) tiếp tục xấu đi. Lực lượng Hồi giáo cực đoan Sunni (Xun-ni) đang trên đà tiến công đã áp sát thủ đô Baghdad (Bát-đa). Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari (Hốt-xan Di-ba-ri) cho biết, nước này đã đề nghị Mỹ tiến hành các cuộc không kích chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan Sunni-lực lượng đã chiếm giữ các thành phố then chốt của Iraq từ một tuần qua. Các quan chức Mỹ cũng xác nhận đã nhận được yêu cầu trên từ Iraq, tuy nhiên hiện Washington (Oa-sinh-tơn) vẫn chưa đưa ra bình luận gì về việc có đáp ứng đề nghị trên của Baghdad hay không. Thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Iraq với các thành viên cấp cao ở Quốc hội Mỹ, Tổng thống Barack Obama (B.Ô-ba-ma) cho biết đang xem xét những phương án nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng an ninh Iraq để đối phó với mối đe dọa của lực lượng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông”.