Báo Pháp đồng loạt lên án các hành vi của Trung Quốc

Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều cơ quan thông tấn uy tín của Pháp đã đăng tải các bài viết phê phán mạnh mẽ những hành động khiêu khích và hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 Nhiều tờ báo của Pháp đã tiếp tục đăng tải lại bài viết "Cuộc rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa" của Le Monde

Báo Le Monde ra ngày 23/6 đăng tải một bài viết thông tin khá chi tiết của nhà báo Bruno Philip – người vừa có chuyến đi thực tế tới khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Với nhan đề "Cuộc rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa" (mà người phương Tây thường gọi là Paracel), bài viết đã miêu tả một cách chân thực những diễn biến mà chính tác giả từng tận mắt chứng kiến tại quần đảo Hoàng Sa trong những ngày qua. Thông qua những hình ảnh thực tế, tác giả đã dẫn chứng từng chi tiết hành động của các tàu Trung Quốc rượt đuổi, đe dọa và đâm va vào các tàu của Việt Nam; cùng với đó là sự mưu trí, dũng cảm của các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trước những hành động khiêu khích và hung hăng này.

“Ở khoảng cách này, khoảng 12 hải lý, giàn khoan của Trung Quốc là một đường thẳng đứng dựng trên đường chân trời, có thể nhìn thấy trên bầu trời đầy sóng gió của Biển Đông. Chúng tôi ở đây vào thứ Bảy ngày 14/6, đó là lúc 08h00 sáng. Những chiếc thuyền màu xanh và trắng của các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiến lên, cùng hướng về phía những tàu đầu tiên của Trung Quốc. Những chiếc tàu này, khoảng 30 cái, tạo thành một dạng vòm bảo vệ xung quanh giàn khoan mà Bắc Kinh vừa hạ đặt "bất hợp pháp" trong vùng quần đảo Hoàng Sa, ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Loa bỗng nhiên cảnh báo, bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh: "Tất cả các tàu thuyền nước ngoài chú ý, những vùng biển này thuộc về Việt Nam và các bạn đang ở đây là vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ngừng hoạt động của các bạn ngay lập tức và hãy rút lui!", bài viết mô tả chi tiết và rất sống động.

Bên cạnh đó, tác giả Bruno Philip còn phân tích rõ ràng việc Trung Quốc chỉ khẳng định sự có mặt ở Hoàng Sa kể từ khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và trước đó, quần đảo này thuộc quyền quản lý của chế độ Việt Nam cộng hòa. Bài viết cũng trích dẫn khẳng định của nhà sử học Trần Đức Anh Sơn về việc Việt Nam có chủ quyền pháp lý đầy đủ của mình từ thời vua Gia Long (năm 1816) với việc nhà Nguyễn áp dụng thu thuế đối với những người dân chài tại Hoàng Sa. Tới đầu những năm 1920, chính quyền thực dân Pháp cũng đã khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này thông qua việc xây dựng hải đăng và trạm thu phát sóng TSF trên đảo Hoàng Sa và trạm khí tượng trên đảo Phú Lâm…

Tuy nhiên, bất chấp việc Việt Nam khẳng định và tuyên bố có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện những hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế với tham vọng "độc chiếm" Biển Đông. Bằng những hình ảnh thực tế ghi nhận được về việc tàu của Trung Quốc phun vòi rồng và đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, tác giả bài viết đã lên tiếng phản bác những lời vu cáo của Trung Quốc rằng các tàu của Việt Nam "chủ động va chạm" với các tàu của Trung Quốc.

Sau khi bài viết phân tích sâu sắc, có cơ sở lịch sử và bằng chứng thực địa này xuất hiện trên tờ Le Monde, nhiều báo khác của Pháp như Le Temps,… cũng đã đăng tải lại.

Cũng trong ngày 23/6, báo Le Monde tiếp tục có bài viết "Trung Quốc áp đặt các điều kiện của mình trên Biển Đông" của nhà báo Brice Pedroletti. Bài viết nêu rõ: “Đối với các nước láng giềng trong khu vực Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, Trung Quốc đang phá vỡ tính nguyên trạng và ổn định trên các đường biên giới biển dưới cái tên gọi là quyền lịch sử, và làm dấy lên trong khu vực những nghi ngờ và lo ngại về thực tế của sự "trỗi dậy hòa bình" của nước này. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo của họ không ngừng tỏ rõ những ý định hòa bình như những gì Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nói ở Hy Lạp, trong cuộc gặp song phương, thì phát biểu cũng kém thân thiện. Trong chuyến thăm Hà Nội vào tuần trước, Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cáo buộc Việt Nam "phô bày" những căng thẳng giữa hai nước”.

Nhấn mạnh vào việc Trung Quốc thường xuyên sử dụng các biện pháp “cưỡng chế và răn đe” đầy “ác ý” đối với những vấn đề phức tạp, bài bình luận của nhà báo Brice Pedroletti mỉa mai "giấc mơ Trung Quốc" về "một thời kỳ đại phục hưng" với việc khẳng định chủ quyền với "đường lưỡi bò chín đoạn" hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế và bị các quốc gia phản đối.

Với nhan đề “Khiêu khích và đe dọa, Bắc Kinh áp đặt chủ quyền ở Biển Đông”, bài viết đăng tải trên trang web của đài RFI ngày 24/6 cũng một lần nữa nhấn mạnh lại những nội dung mà hai tờ báo lớn của Pháp Le Monde và Les Echos nhận định về chiến thuật mà Bắc Kinh đang sử dụng để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của mình trên toàn bộ Biển Đông.

 Hình ảnh tàu của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam được đăng tải rõ nét
trong bài viết trên báo Les Échos

“Cùng với việc mạo danh “quyền lịch sử”, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng về biên giới lãnh hải hiện nay. Các quốc gia láng giềng trong khu vực nghi ngờ cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc”, bài viết nêu rõ. Khẳng định lại những sự việc như “cảnh tàu cảnh sát biển Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam đang thi hành công vụ”, bài báo nhấn mạnh: “Cuộc truy đuổi trên Biển Đông được tác giả mô tả giống như màn trình diễn ba-lê trên biển. Các tàu cảnh sát biển Trung Quốc tỏ vẻ hung hăng và đầy vẻ đe dọa”.

Trước đó, ngày 20/6, các báo như L’Humanité, Le Figaro cũng đăng tải các bài viết về việc Trung Quốc đã quyết định đưa 4 giàn khoan vào Biển Đông bất chấp sự phản đối của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế. Trích dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh: "Ai cũng có quyền làm mọi thứ trước nhà mình bất chấp những quan ngại của người khác".

Cùng ngày, tờ Romandie cũng có bài viết về việc Trung Quốc hạ đặt phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bài viết đánh giá việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong “khu vực hàng hải được tuyên bố một cách rõ ràng là của Việt Nam tiếp tục tố cáo các tham vọng của Bắc Kinh trên biển”.

Có thể thấy rõ ràng rằng, hành động đầy tính khiêu khích và hung hăng của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án. Tham vọng “hồi sinh” hay “độc chiếm” của Trung Quốc rõ ràng không nhận được sự hưởng ứng từ phía các quốc gia cùng đứng chung trên một con tàu mang tên “Trái đất”. Và như lời của độc giả Paul Hier phản hồi sau bài viết "Cuộc rượt đuổi ở quần đảo Hoàng Sa" trên báo Le Monde, “một nền văn minh lớn được đo lường bằng sự vĩ đại của tâm hồn chứ không phải bằng số lượng tàu hoặc xe tăng”.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam