Thâm hụt ngân sách cản bước nhiều nền kinh tế

Thời gian gần đây, hàng loạt nền kinh tế lớn đối mặt mức thâm hụt ngân sách khổng lồ. Tình trạng mất cân bằng ngân sách không chỉ tác động tiêu cực cuộc chiến chống lạm phát, kìm hãm đà tăng trưởng của các nước, mà còn kéo theo nhiều rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

Bất chấp triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Mỹ, sự ổn định tài chính trong dài hạn của nước này vẫn là vấn đề khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại. Số liệu thống kê Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố cho thấy, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong nửa đầu tài khóa 2024, từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, vượt mốc 1.000 tỷ USD, tăng 4% so mức cùng kỳ năm 2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, thâm hụt ngân sách tại Xứ cờ hoa trong năm 2025 có thể lên đến 7,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn nhiều so mức trung bình khoảng 2% của các nền kinh tế phát triển khác. Mặc dù khẳng định Mỹ đang tiếp tục giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng toàn cầu, song IMF bày tỏ lo ngại đối với vấn đề tài chính công của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo giới phân tích, gánh nặng chi tiêu của Chính phủ Mỹ tăng cao chủ yếu do chi phí đi vay tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tìm cách kiềm chế lạm phát. Bên cạnh Mỹ, nhiều nền kinh tế cũng bị “tuýt còi” do thâm hụt ngân sách. Tại Liên minh châu Âu (EU), Italia là nước có mức thâm hụt cao nhất, lên đến 7,4% GDP trong năm 2023.

Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), thâm hụt của Roma vượt xa mức trung bình khoảng 3,5% của các quốc gia thành viên EU. Tình hình tại Pháp cũng không lạc quan hơn khi thâm hụt ngân sách chạm mức 5,5% GDP trong năm 2023, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 4,9% mà chính phủ nước này đề ra. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nêu rõ, nền kinh tế tăng trưởng yếu dẫn đến nguồn thu từ thuế giảm là nguyên nhân chính khiến gánh nặng ngân sách của Paris gia tăng.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, các biện pháp tài chính mạnh nhằm ứng phó, phục hồi sau đại dịch COVID-19 đã khiến thâm hụt ngân sách tại một số nước EU tăng cao. Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của EU đặt ra quy định hạn chế thâm hụt ngân sách hằng năm không vượt quá 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Quy định này cho phép EU giám sát chi tiêu của các nước thành viên, nhằm tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ công.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, kể từ năm 2022, EU đã tạm thời đình chỉ quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách trong hiệp ước để tạo điều kiện cho chính phủ các nước chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Nhiều chuyên gia khẳng định, đây là một trong những nguyên nhân khiến mức thâm hụt tại nhiều nước EU liên tục “phình to”.

Giới phân tích nhận định, gánh nặng ngân sách ngày càng lớn là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Mỹ và các nước châu Âu. Thâm hụt ngân sách tăng cao là một trong những rủi ro hàng đầu, khi làm tăng nợ công, tạo áp lực tăng thu thuế, kéo theo ảnh hưởng đến quy mô sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng, tình hình tài chính công của Mỹ là trở lực đáng kể đối với nỗ lực của FED nhằm đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% GDP. Ðáng lo ngại, IMF cảnh báo, thâm hụt ngân sách quy mô lớn tại Mỹ không những làm tăng lạm phát, mà còn có thể gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.

IMF khuyến nghị các nước nhanh chóng đưa ra quyết sách xử lý vấn đề mất cân bằng thu-chi ngân sách. Thắt chặt chi tiêu là biện pháp mà EU khuyến nghị nhiều nước thành viên triển khai. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh, các quốc gia thành viên Liên minh Cờ xanh cần sớm triển khai những giải pháp cần thiết để bảo đảm giới hạn thâm hụt ngân sách mà khối này đặt ra.

Bộ trưởng Kinh tế Italia Giancarlo Giorgetti cho biết trong tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến kích hoạt quy trình xử lý vi phạm thâm hụt của tất cả các nước có thâm hụt ngân sách vượt mức trần 3% của EU. Theo dữ liệu của Eurostat, hiện hàng chục quốc gia thành viên đang có thâm hụt ngân sách vượt mức trần 3%.