Rủi ro khó tránh với người lao động

Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang khiến người lao động trên thế giới phải đương đầu nhiều rủi ro về sức khỏe. Hồi chuông cảnh báo được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) gióng lên trong báo cáo mới công bố có tên “Bảo đảm an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Chuyên gia cao cấp về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của ILO Manal Azzi nhận định, người lao động thường bị lãng quên khi nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, những tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng môi trường làm việc, tăng nguy cơ chấn thương, mắc bệnh và tử vong của người lao động. Báo cáo ILO mới đưa ra cho rằng, biến đổi khí hậu có liên quan các bệnh về tim mạch, hô hấp, suy thận, các chứng bệnh về thần kinh và cả ung thư.

Báo cáo của ILO ước tính, năm 2020, khoảng 2,4 tỷ người lao động, tương đương hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu, phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao vượt ngưỡng chịu đựng. Theo báo cáo, nguyên nhân của khoảng 18.970 ca tử vong và 22,8 triệu tai nạn có liên quan vấn đề này. Trong khi đó, mỗi năm, có khoảng 1,6 tỷ người lao động tiếp xúc với tia cực tím và cũng từng này người có nguy cơ tiếp xúc với không khí ô nhiễm ở nơi làm việc. ILO cảnh báo, những con số này ngày càng đáng lo ngại hơn.

Người lao động làm việc tại công trường xây dựng trong ngày hè nóng nực ở Noida, Ấn Độ.

ILO nhận định, biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của lực lượng lao động ở mọi khu vực trên thế giới, song không đồng đều. Theo ILO, những người lao động nghèo, làm việc thời vụ, trong doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong nền kinh tế phi chính thức dễ hứng chịu những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Do không có nhiều sự lựa chọn, người lao động vẫn phải tiếp tục làm việc, ngay cả trong điều kiện thiếu sự bảo hộ và nguy hiểm. Những người làm các công việc nặng nhọc ngoài trời thường gặp rủi ro cao hơn. Theo báo cáo, lính cứu hỏa ở Mỹ phải chiến đấu với các vụ cháy rừng mà các chuyên gia đánh giá là đang trở nên lớn hơn và thường xuyên hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Các quốc gia, tổ chức không phải đến giờ mới nhận ra tính cấp thiết của vấn đề này mà đã đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu đối với người lao động. ILO đã thông qua hơn 40 tiêu chuẩn liên quan tới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, trong đó có đề cập vấn đề này. Tháng 6/2023, Hội nghị Lao động quốc tế kêu gọi các bên thực hiện những biện pháp bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động bị ảnh hưởng bởi các rủi ro liên quan hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Một số quốc gia, như Áo, Bỉ, Brazil…, đặt ra những quy định về nhiệt độ phù hợp cho nơi làm việc, tùy thuộc vào cường độ của loại công việc.

Mặc dù một số biện pháp đã được triển khai, song biến đổi khí hậu vẫn đặt ra nhiều thách thức đối với sự an toàn và sức khỏe của người lao động. Theo ILO, các quốc gia đang “vật lộn” tìm giải pháp theo kịp những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Điều này cũng không khó để nhận thấy bởi các cơ quan khí tượng thời gian qua đưa ra những đánh giá không mấy lạc quan. Theo cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), Trái đất những tháng gần đây liên tiếp ghi nhận nhiệt độ ở mức cao kỷ lục.

Theo ILO, trước các mối nguy hại mà biến đổi khí hậu có thể gây ra, các quốc gia cần xem xét, điều chỉnh luật pháp hiện hành hoặc xây dựng các quy định mới nhằm bảo vệ người lao động. ILO dự định tổ chức một cuộc họp quan trọng vào năm 2025 với sự tham dự của đại diện các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động nhằm đưa ra các khuyến nghị mới, phù hợp hơn.

Khi công bố báo cáo của ILO, bà Azzi kêu gọi các quốc gia dành sự quan tâm thích đáng bảo đảm an toàn và sức khỏe của lực lượng lao động, nhất là trong xây dựng chính sách và đưa ra hành động cụ thể nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. Như ILO nhận định, nỗ lực này sẽ cần rất nhiều thời gian và sự chung tay ở cấp độ quốc gia, cũng như quốc tế.