Không thể chủ quan !

(NTO) Từ tháng 2-2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 ổ dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1): một là ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) và mới đây nhất là ở thôn Như Bình (Phước Thái, Ninh Phước). Riêng tại ổ dịch mới này, ngày 4-3, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố dịch nhằm khống chế, không để lây lan sang các khu vực lân cận.

Như vậy, theo quy định tại vùng công bố dịch thì coi như “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để tập trung xử lý tiêu độc, khử trùng triệt để tại các chủ hộ chăn nuôi trong vùng dịch. Nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản. Bởi lẽ ở các vùng nông thôn trong tỉnh ta nói chung, ngoài sản xuất nông nghiệp thì hầu như hộ nào cũng nuôi thêm đàn gia cầm để cải thiện bữa ăn trong gia đình, đồng thời đây cũng là nguồn “kinh tế phụ” tuy quy mô nuôi nhỏ, lẻ. Cho nên khi nằm trong vùng dịch yêu cầu là phải tiêu hủy đàn gia cầm nhưng do “tiếc” của nên sẽ có những hộ tìm cách tiêu thụ hoặc lưu giữ…

 
Cán bộ thú y xã Phước Thái cắm biển thông báo vùng có dịch cúm A/H5N1.
Ảnh:Tuấn Anh
 

Dù cách nào thì cũng nguy hiểm là vô hình trung tạo sự lây lan mầm bệnh trong cộng đồng. Nguy hại hơn nếu người tiêu thụ vô tình sử dụng gia cầm bị nhiễm bệnh này thì hậu quả thật khó lường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay người dân ở nhiều địa phương chưa quan tâm đến dịch cúm gia cầm ngay cả những hộ nuôi. Nguyên nhân là công tác tuyên truyền trên loa, đài; tuyên truyền miệng từ các đoàn thể và cả lãnh đạo của địa phương cũng chưa chú trọng đúng mức, có nơi tuyên truyền qua loa, đại khái, có nơi “thả lỏng” mạnh ai nấy biết… Dù vậy, để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả ngoài tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu, tự phòng tránh yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương quản lý chặt chẽ đàn gia súc nuôi trên địa bàn, nhất là đàn vịt chạy đồng, vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn, tại các chợ; giám sát chặt chẽ các cơ sở giống và ấp nở gia cầm. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là các địa phương cần công khai chính sách hỗ trợ khi có gia cầm mắc bệnh cho người dân nắm rõ để không che giấu tình trạng gia cầm bệnh chết hoặc bán tháo khi gia cầm nhiễm bệnh… Mặt khác, tỉnh cũng cần có chính sách khen thưởng người dân phát hiện sớm báo cho cơ quan chức năng… về ổ dịch cúm gia cầm…

Thiết nghĩ, để khống chế, không để phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh thì ngành chức năng và các địa phương cần có kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực sát hợp với thực tế. Không thể lơ là, chủ quan, “mất cảnh giác” trước dịch cúm vốn rất phức tạp và nguy hiểm này.