CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

“Sợ ” nhất là đầu ra của sản phẩm !

(NTO) Câu chuyện “được mùa lại mất giá” và ngược lại đối với nhiều sản phẩm trong tỉnh nhất là sản phẩm nông nghiệp không có gì là mới nhưng riêng nỗi lo của chính người làm ra sản phẩm lại “luôn luôn” mới theo từng vụ của cây trồng.

Có thể nói tỉnh ta rất đa dạng về cây trồng, trong đó nhiều cây trồng mới hứa hẹn đem lại nguồn lợi lớn cho nông dân như cây ớt giống Hàn Quốc, có khả năng mang lại cho người trồng thu nhập không dưới 500 triệu đồng/ha với điều kiện có “đầu ra” ổn định.

 
Nông dân thôn Phước Lợi (Phước Thuận, Ninh Phước) chăm sóc vườn nho. Ảnh: V.M

Cây nho, táo vốn được trồng nhiều năm và có lẽ nhiều nông dân trong tỉnh đã trở thành “kỹ sư” bất đắc dĩ vì quá hiểu về những cây trồng này trong đó cây nho được ví như “nữ hoàng đỏng đảnh”. Theo tính toán nguồn lợi từ 2 cây trồng này cũng không dưới con số 600 triệu đồng/ha/năm. Thậm chí có nông hộ cho biết riêng cây táo đã cho thu nhập trên 800 triệu đồng/ha/năm. Tuy vậy, theo ý kiến của người trực tiếp sản xuất thì cũng không phải “dễ ăn” và bao giờ cũng trúng mùa, trúng giá. Người viết bài này cũng có không ít lần lầm tưởng về giá táo, nho Ninh Thuận được tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với giá cao gấp chục lần so với giá gốc tại vườn. Điều đó cho thấy, chỉ qua khâu lưu thông giá bán cho người tiêu dùng đã được đẩy lên “tận trời” trong khi thương lái mua của người sản xuất lại ép xuống tới “sát đất”. Nhiều nông sản khác như hành, tỏi, trong dịp sau Tết Giáp Ngọ có củ cải, sú lơ... lại rớt giá đến mức giá bán còn thấp hơn cả giá “đầu vào” dẫn đến “tiến thoái lưỡng nan”, bán thì lỗ, để lại thì càng lỗ hơn, khổ hơn là mối tiêu thụ trước đây nay không còn “mặn mà” dẫn đến “tắt”... đầu ra.

Theo nhiều nông hộ trong tỉnh chúng tôi có dịp tiếp xúc đều mong muốn ngành chức năng cần xây dựng “kênh” tiêu thụ, phân phối hàng nông sản trong tỉnh hay nói khác hơn là giúp nông hộ có “đầu ra” ổn định cho mặt hàng nông sản. Có như vậy mới khuyến khích nông dân đầu tư cho cây trồng nhất là đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao. Mặt khác xây dựng các mô hình sản xuất tập thể để qua đó ký kết hợp tác theo hướng “liên kết 4 nhà”, đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả từ “đầu vào” đến “đầu ra”...

Được biết, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai thực hiện tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, nếu thiếu “đầu ra” ổn định hay nói khác hơn là không xây dựng được hệ thống phân phối đồng bộ với phát triển sản xuất như hiện nay thì sẽ khó tạo được “động lực”...