Băn khoăn rau an toàn

(NTO) Diện tích trồng rau an toàn (RAT) trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 100 ha, phân bổ ở một số địa phương thuộc các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp Phan Rang-Tháp Chàm, trong đó tập trung nhiều nhất là ở xã An Hải (Ninh Phước) và phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm). Theo ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, qua tiến hành thu mẫu ở các vùng có triển khai mô hình sản xuất RAT, cho thấy mẫu rau đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Thông tin trên có lẽ làm người tiêu dùng an tâm phần nào, tuy nhiên tìm hiểu quá trình kiểm soát trong sản xuất và cách thức xác định tính chất “sạch” của rau, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều kẽ hở. Anh Võ Nguyễn Duy Thảo, Doanh nghiệp tư nhân Hai Phước, Đài Sơn (Phan Rang-Tháp Chàm), nguyên trước kia là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại rau, quả theo quy trình RAT, cho biết: “Do sự xáo trộn trong quản lý, doanh nghiệp không còn liên kết tiêu thụ với vùng RAT An Hải nữa, bây giờ chúng tôi chỉ thu mua bên ngoài cung cấp cho Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà mỗi ngày 30-40 kg rau sạch”. Rau được Doanh nghiệp tư nhân Hai Phước thu mua chỉ gồm rau muống trồng ở xã Thành Hải và rau lang trồng quanh khu vực xóm Bánh (Đài Sơn). Trước khi đưa rau vào siêu thị, doanh nghiệp lấy mẫu của đám rau sắp bán gửi lên Chi cục BVTV tỉnh xét nghiệm, nếu mẫu đạt tiêu chuẩn VSATTP mới tiến hành thu mua. Nhưng khi hỏi người trồng rau có áp dụng quy trình sản xuất RAT hay không, anh Võ Nguyễn Duy Thảo không rõ lắm, chỉ biết là trước khi thu hoạch, người trồng ngưng xịt thuốc một tuần.

 
Trồng rau dưới nhà lưới ở Văn Hải.

Hợp tác xã RAT và dịch vụ tổng hợp Văn Hải có diện tích 15 ha đất canh tác RAT (có 3 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP), ngoài ra còn có 100 ha đất khác chuyên trồng rau, củ, quả các loại không theo quy trình RAT. Rau ăn lá gồm: Cải xanh, cải ngọt, cải dúm, hành lá, húng lủi, húng đứng, ngò, tàn ô, quế… Hiện nay, hằng ngày HTX cung cấp cho Siêu thị Coop Mart Thanh Hà khoảng 1 tạ rau, củ, quả các loại, trong đó có khoảng 60-70 kg rau ăn lá. Theo anh Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX, cứ định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục BVTV tỉnh đến kiểm tra mẫu đất, nước; còn HTX cũng định kỳ 3 tháng lấy mẫu rau đến Chi cục BVTV tỉnh xét nghiệm xem có đạt tiêu chuẩn VSATTP hay không, nếu có dư lượng thuốc BVTV trên mức quy định sẽ khuyến cáo nông dân. Để áp dụng quy trình sản xuất RAT, nông dân địa phương đã thay đổi dần tập quán canh tác cũ, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết rõ thời gian cách ly (ngưng bón phân, xịt thuốc) lúc thu hoạch (7-10 ngày). Về nguyên tắc, các loại thuốc sử dụng trong mô hình sản xuất RAT là chế phẩm sinh học, các loại phân hữu cơ sinh học và nhóm thuốc trừ sâu sinh học có độc tố thấp nên đã góp phần làm giảm nguy hại môi trường và ngộ độc thuốc BVTV đối với người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng. Nhưng nguyên tắc là một chuyện, thực hành như thế nào lại là chuyện khác. Anh Nguyễn Văn Trinh nói: “Không phải lúc nào cũng lấy mẫu nên trong quá trình thu mua, chúng tôi chủ yếu tin vào ý thức của nông dân trồng RAT”.

Anh Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà xác nhận: “Mỗi ngày Siêu thị thu mua bình quân từ 70kg đến 1 tạ rau ăn lá của địa phương trồng theo quy trình RAT, trước khi nhập kho đều qua thiết bị kiểm tra dư lượng thuốc BVTV”. Tuy nhiên theo các đầu mối cung cấp, việc kiểm tra ở siêu thị cũng theo định kỳ và cũng là chọn mẫu ngẫu nhiên trong lượng rau bày bán chứ không phải kiểm tra hết được. Như vậy có thể thấy từ đơn vị cung cấp đến nơi tiêu thụ có một khoảng trống về thời gian và lượng rau kiểm tra, trừ các mẫu đại diện và các mẫu chọn ngẫu nhiên, khó mà xác định mức độ đạt tiêu chuẩn VSATTP về dư lượng thuốc BVTV dưới quy định. Thực tế hiện nay cho thấy sức tiêu thụ rau địa phương ở siêu thị chưa mạnh, người tiêu dùng cũng chưa mấy quan tâm rau mua có “sạch” không, nên chưa tác động tích cực phát triển thị trường tiêu thụ RAT. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, phụ trách Cửa hàng thực phẩm tươi sống Chợ Mới (gần chợ Thanh Sơn) chia sẻ: “Trước tết, chúng tôi có bày bán RAT lấy từ Văn Hải, mỗi ngày chỉ có 5-6 kg nhưng không bán được, đơn giản vì người tiêu dùng chỉ chú ý giá và vẻ ngoài mượt mà, tươi rói của rau bán trong chợ. Không cạnh tranh nổi nên cửa hàng đã nghỉ bán rau sạch từ sau tết đến nay”.

Thực trạng thu mua, tiêu thụ rau đã đặt ra vấn đề đáng quan ngại cho sức khỏe người tiêu dùng. Thiết nghĩ nếu chỉ tăng cường chuyển giao kỹ thuật và nhận thức cho nông dân về sản xuất RAT là chưa đủ, điều cần thiết hơn là phải khuyến khích thành lập các cơ sở tiêu thụ (phân phối) RAT, đặc biệt là các vựa rau, có sự hỗ trợ và quản lý của nhà nước; tăng cường vận động, kiểm tra VSATTP và có biện pháp phù hợp đối với các cửa hàng, quầy hàng bán rau. Nhưng trên tất cả là tuyên truyền rộng rãi, cung cấp thông tin, tạo thói quen cho người tiêu dùng đến với RAT, đó cũng là cách thúc đẩy người trồng rau tự giác tuân thủ quy trình sản xuất RAT, có trách nhiệm với người tiêu dùng hơn.