Vấn đề hôm nay:

Cần gắn làng nghề với du lịch !

(NTO) Đã có không ít những người bạn của tôi ở nhiều tỉnh, thành trong đó có tỉnh vốn có truyền thống về du lịch như Bà Rịa – Vũng Tàu và ngay cả 2 tỉnh láng giềng là Lâm Đồng và Khánh Hòa mỗi lần đến Ninh Thuận đều rất thích bởi khung cảnh thiên nhiên chưa được khám phá hết.

Ngay cả du lịch biển tuy đã có nhiều khu resort, khách sạn sang trọng nhưng vẫn còn “phảng phất nét chân quê” như bọn tôi nhận xét. Thích nhất vẫn là đi dọc tuyến đường ven biển từ Bình Tiên đến điểm gần cuối tuyến (hiện đang còn thi công) ở Mũi Dinh (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) nhiều du khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi khung cảnh hoang sơ nhưng không kém phần “hoành tráng” từ rừng đến biển, đến bãi động cát “tiên sa” vốn được tạo tác từ “bàn tay” tài tình của gió và biến đổi theo mùa…

 
Chế tác gốm mỹ nghệ ở Bàu Trúc. Ảnh: Hữu Thành

Làng nghề Bàu Trúc được xem là cổ xưa nhất Đông Nam Á do các sản phẩm được làm bằng thủ công đến… 100% bởi những nghệ nhân tài hoa người Chăm; Làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng đã rất nổi tiếng. Đã đến du lịch Ninh Thuận du khách dường như không thể không đến 2 làng nghề này. Tuy nhiên, theo nhận xét chung là giữa du lịch với làng nghề chưa có sự gắn kết. Tìm hiểu thực tế này, điều chúng tôi nhận thấy đầu tiên đó là sự thiếu chuyên nghiệp từ khâu giới thiệu lịch sử làng nghề đến qui trình làm và sản phẩm tạo ra… Du khách chỉ đến “chiêm ngưỡng” là chính và nếu có hỏi thì ngay cả những chủ nhân của làng nghề dường như cũng chỉ giới thiệu qua loa cách làm sản phẩm, nên làm cho du khách không rõ. Giá bán cũng là vấn đề đáng nói. Nhiều lần đến làng gốm Bàu Trúc, mỗi cơ sở giá bán khác nhau và khá “tùy hứng” dù chỉ cùng một loại sản phẩm. Đây cũng là yếu tố làm cho du khách thiếu tin và khó quảng bá. Chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề đáng nói, kể cả “dấu ấn” của làng nghề cũng không được các cơ sở chú ý đúng mức nên dù du khách có muốn xác định địa danh đã đến bằng sản phẩm của làng nghề mua về để giới thiệu cũng không có nên dẫn đến thiếu hào hứng trong du khách…

Có thể nói, du lịch tỉnh nhà tuy đã khởi sắc nhưng theo nhận xét của một số du khách là chỉ đến với “tò mò khám phá”, còn như để “níu chân” du khách quay lại nhiều lần thì… khó có lời hứa hẹn bởi sự gắn kết giữa các làng nghề với du lịch thực thụ lại còn khá rời rạc, mạnh ai nấy làm, “hồn ai nấy giữ”. Khắc phục điều này cần phải có “trung tâm” điều hành chuyên nghiệp, phải có sự liên kết từ chính các cơ sở trong làng nghề với các cơ sở du lịch… Nếu làm du lịch theo kiểu “được chăng hay chớ” như hiện nay thì khó có thể phát triển lớn mạnh được.