Du lịch Ninh Thuận năm 2013: Những bước phát triển mới

(NTO) Trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, Du lịch được xếp thứ hai trong bốn ngành kinh tế trụ cột. Với sự chỉ đạo quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp du lịch và phục vụ du lịch đã tạo cho bức tranh du lịch Ninh Thuận năm 2013 có những sắc màu mới, những bước phát triển mới.

Đồng chí Phan Quốc Anh
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trong năm 2013, UBND tỉnh ban hành hàng loạt văn bản quản lý nhà nước để chỉ đạo hoạt động du lịch. Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức làm việc với nhiều đoàn Famtrip gồm các công ty lữ hành nội địa và quốc tế. Thường xuyên tổ chức họp bàn để liên kết hợp tác kinh doanh giữa các Công ty lữ hành và các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ; thường xuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách quốc tế. Mở các lớp đào tạo bồi dưỡng tiếng Nga, nghiệp vụ du lịch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua các chiến dịch quảng bá, thông qua việc tổ chức hàng loạt các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao tầm quốc gia và quốc tế đã góp phần đưa Ninh Thuận vào bản đồ du lịch của cả nước.

 
Đồi cát Nam Cương.

Khách du lịch đến Ninh Thuận ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; Năm 2012 đạt 950 ngàn lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 440 tỷ đồng; năm 2013 đạt 1.100.000 lượt, tăng 15,7 so năm trước. Trong đó khách quốc tế tăng 6,2%, đặc biệt là khách du lịch đến từ Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản. Khách nội địa ước đạt 1.015.000 lượt tăng 16%. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 520 tỷ đồng, tăng 4% so kế hoạch, tăng 18,8% .

Để có những bước phát triển mới về du lịch. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển hạ tầng du lịch. Điển hình như tuyến đường ven biển nối Bình Tiên với Cà Ná, hạ tầng du lịch Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chữ, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình; đầu tư đường đi bộ ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Các địa phương đã nỗ lực trong việc giải toả các hộ nuôi tôm hùm lồng, lưới dũ...trả lại cảnh quan sạch đẹp cho một trong những bãi biển đã được xếp hạng là trọng điểm du lịch quốc gia.

 
Tháp Chapơ (Bác Ái).

Tuy trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, sức đầu tư của các thành phần kinh tế đang chững lại nhưng ở Ninh Thuận, số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú đang tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh hiện có 72 cơ sở lưu trú với tổng số 1.791 phòng, trong đó trên 30% số phòng đạt chuẩn tương đương 3 sao trở lên. Hiện có 38 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 7.032,6 tỷ đồng đã được cấp phép đầu tư. Chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư 4 dự án mới, tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng. Trong năm 2013 có 4 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động (Khu Du lịch cao cấp Núi Chúa, Khu Du lịch Phát Hoàng Long; Khách sạn Hồng Đức, Châu Thành). Đặc biệt Khu du lịch nghỉ dưỡng Amanơi tiêu chuẩn 5 sao với giá trị đầu tư giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng chính thức khai trương đã góp phần đưa Ninh Thuận vào bản đồ du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Một số khu, điểm vui chơi giải trí ở Ninh Thuận đã được đầu tư, cải tạo và phát triển như: Hội quán Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm văn hóa các huyện, thành phố, hệ thống chợ, siêu thị, công viên 16 Tháng 4, Bảo tàng, Tượng đài, Công viên Ninh Hải, hồ bơi Thủy Nguyên, nhà hàng Sao Biển, Nhà hàng Chốn Quê và một số bar và vũ trường xen lẫn các quán cà phê sân vườn lớn, karaoke, các shop mua sắm....trang nhã, lịch sự cùng các khu, điểm vui chơi giải trí khác đã thật sự đáp ứng phần lớn nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân Ninh Thuận và du khách từ nơi khác đến.

 
Một góc Khách sạn Sài Gòn - Ninh Chử. Ảnh: Thanh Long

Tuy nhiên, du lịch Ninh Thuận cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đã ghi trong Quy hoạch phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020, trong thời gian ngắn nhất, toàn tỉnh cần đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước đến các dự án du lịch; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch để tăng nhanh số lượng phòng đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch như du lịch mua sắm, khu văn hóa ẩm thực, nhà hàng ăn uống có tầm quốc tế, các khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường lành mạnh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, phòng trà ca nhạc, điểm diễn văn hóa dân tộc v.v…Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, tỉnh cần quy hoạch hệ thống dịch vụ du lịch trên trục đường Yên Ninh, khu vực đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chử, các khu du lịch trọng điểm Vĩnh Hy – Bình Tiên. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch từ cán bộ đến các tầng lớp nhân dân; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các điểm đến du lịch đạt chuẩn; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thực hiện đề án xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp; khắc phục ngay tình trạng tranh giành, chèo kéo khách, chặt chém mới xuất hiện ở một số khu du lịch, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm để khách du lịch yên tâm khi đến với Ninh Thuận lưu trú dài ngày. Dự kiến đầu năm 2014, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Lễ Công bố quy hoạch phát triển Du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và lấy đó làm Ngày Du lịch Ninh Thuận.

 
Du khách tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp
(Phước Dân, Ninh Phước). Ảnh: Duy Anh

Một năm lại qua đi. Một năm du lịch Ninh Thuận có những bước phát triển mới, đem lại niềm vui mới và niềm tin mới. Một năm mới nữa đang đến, chúng ta cùng chúc cho những người làm du lịch và dịch vụ du lịch Ninh Thuận một mùa xuân tràn đầy hy vọng, chung tay góp sức để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương Ninh Thuận.