Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Cần “gỡ khó” trước thềm năm học mới

(NTO) Năm học 2011-2012, tỉnh ta có 100% trường tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng tỷ lệ học sinh (HS) tham gia còn ở mức thấp, chỉ đạt 57,27% so với mặt bằng chung của cả nước là trên 80%. Điều đó cho thấy, sau hơn 3 năm thực hiện Luật BHYT, mặc dù là đối tượng bắt buộc nhưng việc HS-SV tham gia BHYT ở tỉnh ta vẫn còn nhiều trở ngại.

Trong năm học qua, toàn tỉnh có gần 100 ngàn HS tại 193 trường học, cơ sở giáo dục thuộc diện tham gia BHYT. Tuy nhiên chỉ có trên 56 ngàn HS tham gia BHYT. Như vậy, vẫn còn gần 42 ngàn HS chưa được bảo hiểm về sức khỏe. Một số địa phương có tỷ lệ học sinh tham gia đạt thấp như huyện Ninh Phước (37,5%), Thuận Bắc (42,7%), Thuận Nam 47,9%. Trong đó, một số trường có tỷ lệ HS tham gia bảo hiểm rất thấp, dưới 10% như: Trường Tiểu học Lâm Sơn A (Ninh Sơn), Tiểu học Bà Râu (Thuận Bắc), Tiểu học Tân Đức, Tiểu học Từ Thiện, THPT Nguyễn Huệ (Ninh Phước).

Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam). Ảnh: Văn Miên

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, nguyên nhân chính khiến số lượng HS tham gia BHYT chưa nhiều, đó là do vấn đề về ý thức. Nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về chính sách, tầm quan trọng của BHYT, cũng như chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác chăm sóc sức khỏe đối với con em mình. Trong khi đối tượng HSSV được Nhà nước hỗ trợ 30-50% chi phí để mua BHYT; được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua y tế học đường. Khi bị bệnh được BHYT chi trả 80% chi phí khám, chữa bệnh; đồng thời tham gia BHYT góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo nguồn hỗ trợ tài chính khi HS bị ốm đau, bệnh tật.

Trường hợp của em Phạm Văn Vũ, HS trường Tiểu học Phước Mỹ là một ví dụ. Năm học vừa qua, em bị mắc bệnh viêm phổi nặng, phải chịu nhiều chi phí điều trị bệnh rất tốn kém với số tiền trên 85 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có tham gia BHYT nên gia đình em chỉ phải chi trả 20%, còn lại được BHYT thanh toán. Hay em Bùi Ngọc Thương, HS trường THPT Tôn Đức Thắng bị bệnh hở van tim, tổng chi phí chữa trị hết trên 42 triệu đồng, nhưng đã được BHYT chi trả 33,8 triệu đồng, qua đó đã giảm được gánh nặng tài chính cho gia đình, giúp em có cơ hội được chữa lành bệnh.

Theo BHXH tỉnh, trong năm học vừa qua, BHYT đã trích trên 1,77 tỷ đồng cho y tế học đường để chăm lo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. Đồng thời chi khám chữa bệnh cho trên 60 ngàn lượt HS, với tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Công, Trưởng phòng Thu, BHXH tỉnh cho biết: “Cùng với vấn đề về nhận thức thì điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực về y tế ở cơ sở để phục vụ công tác khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu của người tham gia BHYT. Mặt khác, mức chi trả “hoa hồng” cho nhà trường để thu BHYT chỉ có 3% trên tổng số thu nên chưa khuyến khích nhà trường và giáo viên tuyên truyền vận động HS tham gia. Trong khi đó, hiện một số bảo hiểm thương mại khác có mức chi cho đại lý cao gấp 5-7 lần, do đó có nhiều cơ sở tham gia các bảo hiểm khác mà không mấy “mặn mà” với BHYT. Và một vấn đề quan trọng nữa, đó là công tác tuyên truyền chưa huy động được sự tham gia của các ban, ngành, địa phương, mà phần việc này gần như “khoán trắng” cho các trường học nên kết quả chưa cao”.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm học mới 2012-2013 tỉnh ta phấn đấu có 90% HSSV tham gia BHYT và đến năm 2015 tỷ lệ này là 100%, góp phần thực hiện đúng lộ trình BHYT toàn dân. Để làm được như vậy cần có sự chỉ đạo của các cấp các ngành, từ chính quyền địa phương đến đoàn thể. Trong đó ngành BHXH chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện. Ngành GD-ĐT đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của chính sách. Ông Nguyễn Quang Công cho biết thêm: “Thực tế, việc triển khai thực hiện chính sách BHYT ở địa phương cũng như lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ HS tham gia nhiều hơn. Đơn cử như huyện Ninh Sơn, là một địa phương còn nhiều khó khăn nhưng đã có tỷ lệ HS tham gia BHYT cao nhất trong toàn tỉnh, với 74,29%, trong đó có 6 trường tham gia đạt tỷ lệ 100%. Như vậy để đạt được mục tiêu đề ra cần phải tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo; coi việc tham gia BHYT như là một tiêu chí thi đua của các trường. Trong đó giải pháp then chốt, tạo sự đột phá là tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng. Mặt khác cần phải đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT”.

Thiết nghĩ, để chính sách BHYT HSSV thực sự mang lại hiệu quả, đối với các bậc phụ huynh có con em trong diện tham gia BHYT cũng cần phải nhận thức được rằng, con em mình không được tham gia BHYT là một thiệt thòi về quyền lợi, đồng thời là gánh nặng cho gia đình trong trường hợp xảy ra những rủi ro không mong muốn.