Bác Ái: Nỗ lực giảm tỷ lệ học sinh bỏ học

(NTO) Là một huyện miền núi, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên người dân ở huyện Bác Ái ít quan tâm đến việc học của con em. Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh và chính quyền địa phương, ngành GD&ĐT huyện Bác Ái đã từng bước nâng cao chất lượng dạy và học và tích cực trong công tác vận động, nên tỷ lệ học sinh bỏ học tại địa phương giảm dần.

Nỗ lực của huyện nhà

Với suy nghĩ “Thích thì đến, không thích thì ở nhà”, “cái chữ không mài ra cơm ăn”, nhiều phụ huynh ở huyện Bác Ái “thờ ơ” cho con em đến trường. Địa hình đồi núi, trường học ở xa cũng là điều cản trở bước chân đến trường của các em. Vì thế, công việc thường xuyên của những “người đưa đò” trên vùng cao Bác Ái là: Sáng đi “gieo chữ”, chiều đến từng gia đình để vận động từng em đi học. Tuy nhiên, những ngày đầu các em lên lớp đầy đủ, nhưng sau đó rơi rớt dần. Do học lực yếu, không theo kịp chương trình, chán nản nhiều em cũng trốn học ở nhà.

 
Đội thanh niên tình nguyện giúp các em học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh,
xã Phước Tân ôn tập hè.

Nhờ tích cực tuyên truyền về lợi ích việc học, người dân trong huyện đã ý thức được tầm quan trọng của việc học. Một số địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần như: xã Phước Tiến, Phước Tân, Phước Đại...

Vào dịp hè, các em theo gia đình lên nương rẫy, đi làm ăn xa hay đi chăn trâu, chăn bò, sau 3 tháng hè thường“lười” đến trường. Nắm được thực trạng này, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo cho các trường tổ chức ôn tập hè cho học sinh. Việc này vừa giúp củng cố kiến thức, tạo sân chơi trong dịp hè vừa làm cho các em say mê, hứng thú khi bước vào năm học mới. Thầy Trần Văn Toản, Tổng phụ trách Đội trường THCS Nguyễn Văn Linh, xã Phước Tân cho biết: “Việc vận động các em đi học rất khó, vì thế trường đã tạo nhiều hoạt động để giữ chân các em khi đến lớp. Đặc biệt, vào dịp hè này, nhà trường phối hợp với đội sinh viên tình nguyện tỉnh tổ chức ôn tập hè nên thu hút nhiều em đến lớp. Đây là cách làm hiệu quả để hạn chế học sinh bỏ học sau hè.”

Với sự nỗ lực của các cấp và đội ngũ giáo viên nên công tác giáo dục và đào tạo của huyện có bước chuyển biến rõ rệt. Trong năm học 2011-2012, toàn huyện có 6.900 học sinh theo học tại 38 trường học; tỷ lệ duy trì sĩ số đến cuối năm học là 99%; tỷ lệ học sinh bỏ học bình quân giảm 1,05 % so với năm trước; hơn 39 % học sinh đạt khá, giỏi; tốt nghiệp THPT đạt 98,5%, tăng 25,5%. Hiện toàn huyện có 692 cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ sư phạm.

Hiệu quả từ sự đổi mới

Để hạn chế học sinh bỏ học, phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện nhiều biện pháp và đang mang lại hiệu quả. Xây dựng nhiều trường học gần nơi cư trú nhằm giảm khoảng cách đến trường. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các em vui chơi, giải trí tạo thêm niềm vui; tổ chức dạy học một cách linh hoạt, không gò ép, tạo áp lực cho các học sinh. Tổ chức hội chợ trưng bày sản phẩm học sinh tự làm; tổ chức chiến dịch “mùa hè xanh- vì học sinh thân yêu”,…Nhờ sự nhiệt tình, tấm lòng yêu thương học sinh, quyết tâm mang chữ đến với vùng cao, đội ngũ giáo viên đã góp phần mang lại thành công, từng bước nâng cao chất lượng dạy học.

Các trường đã chủ động phối hợp với địa phương để quản lý, nắm danh sách các học sinh bỏ học để đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đi học trở lại. Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến chia sẻ: “ Đầu năm học, các trường đã gửi danh sách học sinh bỏ học, xã triển khai cho các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ thôn đến từng nhà vận động các em đến trường. Ngoài ra, trong những buổi họp của thôn, cán bộ giáo dục xã tham gia tuyên truyền lợi ích việc học cho các bậc phụ huynh. Xã cũng lập danh sách học sinh trong độ tuổi đến trường để dễ theo dõi. Nhờ vậy nên thời gian qua, tỷ lệ học sinh bỏ học ở xã giảm dần”.

Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống giáo dục các cấp được mở rộng; đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện mạnh dạn chuyển đổi một số trường sang mô hình trường bán trú, dạy 2 buổi/ ngày. Hiện nay, huyện đã có 5/9 trường được chuyển đổi, đó là Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (Phước Bình), Nguyễn Văn Linh (Phước Tân), Nguyễn Văn Trỗi (Phước Trung), Ngô Quyền (Phước Tiến), Trường TH Phước Thành B (Phước Thành); trên 60% lớp học 2 buổi/ngày. Được học nội trú tại trường nên các em học sinh không còn bỏ học cách nhật nữa.

Tin rằng với sự quan tâm của các cấp và nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, công tác giáo dục của huyện Bác Ái sẽ có nhiều đổi thay, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.