Triển vọng mới của ngành công nghiệp

Năm 1992 khi mới tái lập tỉnh, Ninh Thuận là một trong số các địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên không ngừng, đến nay Ninh Thuận đã có những bước chuyển mình ấn tượng.

 Quy hoạch vùng, ngành để kêu gọi đầu tư

(NTO) Với một xuất phát điểm thấp, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng thiếu thốn, nhưng sau 20 năm nỗ lực xây dựng, đến nay Ninh Thuận đang ghi những dấu ấn quan trọng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực. Điểm nổi bật của Ninh Thuận trong những năm gần đây đó là có sự bứt phá về tư duy và tầm nhìn mới. Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, ngoài việc thành lập và đi vào hoạt động Văn phòng phát triển kinh tế (EDO) theo mô hình Ban phát triển kinh tế (EDB) của Singapore, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên mạnh dạn thuê các nhà tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) lập chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 và đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011.

 Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Cách làm này của tỉnh nhằm xác định rõ các nhóm ngành kinh tế trụ cột để ưu tiên phát triển. Trên cơ sở phân tích, luận chứng về sự phát triển của 21 nhóm ngành có triển vọng của Việt Nam và 34 nhóm ngành có lợi thế thực tiễn trên thế giới, các nhà tư vấn đã xác định ra 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh để quy hoạch tổng thể, gồm 4 cụm ngành cơ bản là: Năng lượng sạch; Du lịch; Nông- lâm- thủy sản; Sản xuất chế biến và 2 ngành phụ trợ là: Giáo dục – Đào tạo; Xây dựng và kinh doanh bất động sản. Mục tiêu phấn đấu của 6 cụm ngành này đến năm 2020 sẽ đóng góp 91% GDP và giải quyết việc làm cho 85% nhu cầu lao động của toàn tỉnh. Dựa trên 6 cụm ngành trụ cột này, tỉnh ta đang tái tổ chức không gian phát triển hợp lý trong thời gian tới. Theo đó, khu vực phía Bắc của tỉnh sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch, với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy. Vùng phía Nam được dành cho phát triển công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná, còn lại là vùng đồng bằng dành để phát triển đô thị và dịch vụ - thương mại. 

 
Lãnh đạo tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Văn Miên

Với một quy hoạch cụ thể theo mô hình “xanh, sạch” và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng như hiện nay, tỉnh ta đang được các nhà đầu tư quan tâm, với số lượng nhà đầu tư từ các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đức, Ấn độ, Mỹ, Canada... đến tìm kiếm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng giai đoạn (từ 2009 – 2011), toàn tỉnh có 141 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận địa điểm còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 142.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh đến nay lên trên 200 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 150.000 tỷ đồng. Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đến nay đã có 28 dự án đi vào hoạt động, 16 dự án đã triển khai thi công và 54 dự án đang hoàn tất thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Hội đủ điều kiện để vươn xa

Khi bàn về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là định hướng kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng trở thành tỉnh công nghiệp– dịch vụ vào năm 2030, tỉnh ta chủ trương ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng (trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo) và du lịch, với tham vọng hướng xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm sản xuất năng lượng sạch của cả nước và trở thành một trong 20 tỉnh giàu của Việt Nam vào năm 2020. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngoài việc phối hợp và chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng 2 Nhà máy Điện hạt nhân công suất 4.000 MW đúng tiến độ đã đề ra, trong giai đoạn 2011 – 2015 tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thu hút đầu tư, huy động tối đa nguồn vốn FDI để đẩy nhanh việc xây dựng dự án các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở những khu vực đã được quy hoạch trên địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc với quy mô từ 1.500 – 2.000 MW.

 
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được xây dựng tại xã Phước Dinh.
 
 
Mô hình phát triển công nghiệp điện gió trong tương lai.

Cùng với kêu gọi, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch, tỉnh tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, nhằm nâng cao vị trí về địa kinh tế của tỉnh để nâng cao giá trị sử dụng đất, tạo nguồn thu từ quỹ đất, tăng huy động GDP. Trước mắt, tỉnh sẽ duy trì và mở rộng thị trường các sản phẩm chủ lực tham gia xuất khẩu như nhân hạt điều, thuỷ sản các loại, các sản phẩm từ yến, đá Granite. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có quy mô lớn trong tỉnh hợp tác, liên doanh, liên kết để sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời xây dựng danh mục dự án ưu tiên thực hiện hình thức đầu tư BOT, BT đối với các lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển. Tập trung triển khai có hiệu quả những công trình, dự án tiềm năng như dự án Khu đô thị du lịch biển Bình Sơn, Nam núi Chúa. Đây là những dự án mang dấu ấn trong bức tranh du lịch và đô thị xanh của tỉnh.

 
Mô hình khu đô thị biển Bình Sơn.

Về dài hạn, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu để đảm bảo thu hút đầu tư theo đúng định hướng mà Hội nghị xúc tiến đầu tư và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra. Ngoài việc tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ và một số công trình thủy điện quy mô nhỏ gắn với thủy lợi như: Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2, Tân Mỹ, Sông Than... , tỉnh ta sẽ khai thác toàn diện các thế mạnh về du lịch, tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp mới với quy mô phù hợp điều kiện phát triển tại địa phương như: Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu; sản xuất muối và hóa chất sau muối; nhà máy Chế biến thịt gia súc, gia cầm; chế biến thức ăn nuôi tôm; sản xuất rượu nho gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái... Đồng thời tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác phát triển, các nhà tài trợ để vận động các nguồn vốn ODA, NGO..., nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, để đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, hướng đến mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.