Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp là hướng đi cấp thiết

Hiện nay, các chi phí "đầu vào" như nguyên liệu, công lao động gia tăng liên tục, trong khi môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp (DN) ngày càng khốc liệt trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng và giá thành sản phẩm. Vì vậy, chọn lựa giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) chính là cách để DN đạt được mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại tỉnh ta việc áp dụng SXSH trong sản xuất vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

(NTO) Toàn tỉnh hiện có khoảng 172 DN sản xuất công nghiệp với một số ngành chủ yếu như: chế biến nông- lâm- thủy sản (tôm đông lạnh, đường, bột mì, nhân điều, rượu vang nho…); công nghiệp sản xuất, chế biến muối và hóa chất sau muối; khai thác, chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng (xi-măng, gạch nung, đá ốp lát granite, titan…); công nghiệp sản xuất và phân phối điện - nước; một số ngành công nghiệp khác như may công nghiệp, phân vi sinh, chế biến nước yến, bao bì nhựa các loại,…Trong những năm qua, lĩnh vực chế biến nông- lâm- thủy sản của tỉnh có những chuyển biến tích cực, các DN đã chủ động đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm như: Công ty CP XK Nông sản cải tiến công nghệ chao dầu, hấp, trang bị máy tách hạt điều công nghệ Ý; Nhà máy tinh bột Mỳ đầu tư thiết bị công suất chế biến tinh bột mì từ 50 tấn lên 80 tấn/ ngày.

Công ty May Tiến Thuận đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Duy Anh

Cùng với đó, phát triển các làng nghề cũng được tỉnh chú trọng. Trong năm 2011, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề toàn tỉnh ước đạt 338,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,9% trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Trong đó các nhóm ngành tăng trưởng khá như: chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất, gia công sửa chữa cơ khí; hàng thủ công mỹ nghệ; chế biến nước mắm;... Tuy nhiên, việc áp dụng SXSH trong các cơ sở công nghiệp thì ở tỉnh ta vẫn chưa được nhiều DN thật sự quan tâm. Theo Chỉ thị 08/CT-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) năm 2007, thì SXSH trong công nghiệp tức là doanh nghiệp phải cải tiến liên tục quá trình sản xuất công nghiệp, sản phẩm và dịch vụ để giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, để phòng ngừa tại chỗ nguồn ô nhiễm không khí, nước và đất, và giảm phát sinh chất thải tại nguồn, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Mặt khác, SXSH bao gồm tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc, giảm lượng và độ độc của các dòng thải trước khi đi ra khỏi quá trình sản xuất; đồng thời làm giảm ảnh hưởng trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ khâu chế biến nguyên liệu đến khâu thải bỏ cuối cùng. Vì vậy, việc áp dụng SXSH trong sản xuất công nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Công ty cổ phần xuất khẩu nông sản đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Phần lớn cơ sở sản xuất công nghiệp của tỉnh là những DN vừa và nhỏ với quy mô đầu tư không lớn, sử dụng công nghệ thủ công, lạc hậu, chưa tận dụng tài nguyên thiên nhiên một cách triệt để và có hiệu quả. Tình trạng lãng phí nguyên, nhiên, vật liệu "đầu vào" vẫn đang diễn ra khá phổ biến, đặc biệt nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Nguy hại nhất hiện nay, sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, xi-măng, khai thác và chế biến titan… có lượng khí thải lớn đang tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí. Ngành nông- lâm- thủy sản, bia, rượu, nước giải khát và một số cơ sở sản xuất, làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, chế biến thực phẩm... còn xả thải một khối lượng lớn chất thải trực tiếp ra môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, khí... ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Ngoài một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại, thì đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều có thiết bị công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa cơ khí, dệt may, chế biến nông, lâm sản, chế biến thực phẩm, tuy mới đầu tư nhưng thiết bị công nghệ chỉ ở mức trung bình yếu, thiếu các dây chuyền tự động hoá, các thiết bị chuyên dùng nên năng lực sản xuất còn thấp.

Sản xuất sản phẩm nước yến tại công ty Yến Việt. Ảnh: T.Long

Theo ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, việc áp dụng SXSH không khó, chỉ cần DN có quyết tâm thực hiện, khi thực hiện thì duy trì lâu dài và có những cải tiến trong quá trình sản xuất. Để DN từng bước áp dụng SXSH vào sản xuất, ngành Công Thương đang tập trung xây dựng chương trình hành động SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các DN về SXSH trong công nghiệp. Hiện nay tỉnh cũng đang tiến hành rà soát lại các DN chưa áp dụng SXSH trong sản xuất, kinh doanh, để từ đó tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn nhằm giúp các cơ sở áp dụng một cách triệt để quá trình SXSH trong công nghiệp. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành các thủ tục đăng ký việc đánh giá công nghệ tiên tiến, hiện đại tránh việc lắp đặt những công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực các thiết bị công nghệ sẽ được các DN quan tâm hơn, đưa SXSH vào sản xuất công nghiệp.