Trọng tâm là tập trung vào 3 khâu đột phá: Thứ nhất là tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhất là dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, liên vùng. Thứ ba, tạo đột phá trong lĩnh vực đất đai để khơi thông nguồn lực và phát triển 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gồm: Thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; CN chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị.
Công nhân Công ty TNHH Viet Sun Ninh Thuận (Khu công nghiệp Thành Hải) vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Nỷ
Về nhiệm vụ cụ thể để phát triển CN, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm bắt, thu thập thông tin, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm hiện có. Kịp thời cung cấp thông tin số liệu phục vụ hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, tình hình thực hiện dự án thủy điện tích năng Bác Ái; phối hợp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.
Ngoài các giải pháp kể trên, UBND còn chỉ đạo Sở Công Thương tham mưu tổ chức làm việc với Bộ Công Thương để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc bàn giao công trình Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500kV, 220kV và thanh toán mua bán điện Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam; làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn về đẩy mạnh gia tăng chỉ tiêu sản xuất bia Sài Gòn tại nhà máy tỉnh Ninh Thuận. Tổ chức Hội thảo năng lượng xanh, hydro xanh và khu CN trung hòa carbon (tổ chức ngày 27/4/2024). Triển khai thực hiện Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển CN hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Đồng thời, rà soát các dự án CN dự kiến khởi công, hoàn thành và hoạt động trong giai đoạn 2026-2030 để xây dựng kế hoạch giai đoạn 2026-2030. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Qua đó, đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 120.000 tỷ đồng...
Bằng tinh thần quyết tâm cao, sau 4 tháng triển khai thực hiện, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực CN đã tạo ra những hiệu quả khá rõ nét. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành CN (IIP) ước tăng 11,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 15,31%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,42%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,59%; riêng ngành khai khoáng giảm 18,45%. Một số sản phẩm CN chủ yếu có chỉ số sản xuất tăng cao trong 4 tháng đầu năm, gồm: Sản xuất búp bê tăng 4,5 lần; tinh bột mì tăng 119,3%; quần áo các loại tăng 96,7%; muối biển khai thác tăng 86,3%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 43,2%; thạch nha đam tăng 41%; đường RS tăng 22,6%. Đối với các ngành CN cấp II, sản xuất trang phục tăng 49,46%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ... tăng 26,47%; dệt may tăng 22,04%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,06%; sản xuất và phân phối điện... tăng 12,42%. Riêng trong tháng 4, sản xuất hạt điều khô ước đạt 528,2 tấn, tăng 52,49%; đường RS ước đạt 1.500 tấn, tăng 59,91%; thạch nha đam ước đạt 1.346 tấn, tăng 88%; bia đóng lon ước đạt 3 triệu lít, tăng 41,18%; quần áo các loại 581,5 nghìn cái, tăng 94,05%; xi măng sản xuất ước đạt 8.000 tấn, tăng 25,72%; khăn bông tăng 25,6%...
Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận. Ảnh: T.Duy
Với quyết tâm tạo động lực tăng trưởng mới cho ngành CN, từ nay đến cuối năm UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gắn với Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 120MW dự án năng lượng chuyển tiếp và triển khai nhanh cơ chế đấu thầu giá điện, lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công 275MW. Tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho một số sản phẩm CN chiếm tỷ trọng lớn như: Sản xuất bia, nha đam, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, đá, xi măng... và đẩy nhanh tiến độ các dự án CN mới để tạo năng lực tăng thêm cho năm 2024. Kêu gọi thu hút đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng Phước Hòa, tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, nhà máy sản xuất hydrogen; các dự án đầu tư thứ cấp trong các khu, cụm CN. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ CN gắn với phát triển du lịch...
Trước mắt, trong tháng 5 Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh triển khai các bước tiếp theo Đề án thành lập trung tâm CN và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận. Hoàn thiện công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án LNG Cà Ná. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch quản lý, phát triển cụm CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch triển khai Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm CN, dự án sản xuất, kinh doanh dự kiến khởi công công trình trong năm 2024. Ban hành thông báo nộp hồ sơ đăng ký chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số cụm CN đủ điều kiện thành lập mới. Tiếp tục tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng, nhất là dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 để sớm đưa vào vận hành trong quý II/2024.
Văn Thanh