Hệ thống ngân hàng Ninh Thuận: 20 năm hình thành và phát triển

(NTO) Kể từ ngày tái lập (1/4/1992 – 1/4/2012) cùng với sự đổi mới và phát triển của tỉnh, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã có những nỗ lực phấn đấu vượt bậc, góp phần đưa Ninh Thuận trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng đầu tư và Phát triển Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Mạng lưới hoạt động Ngân hàng lúc tỉnh mới tái lập chỉ có 2 chi nhánh Ngân hàng thương mại Nhà nước, nhưng tính đến nay, đã có 7 chi nhánh Ngân hàng thương mại, 2 Ngân hàng chính sách và 3 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở với hàng trăm điểm giao dịch được trải rộng khắp địa bàn, cùng với 49 máy ATM và 78 máy chấp nhận thẻ POS, với điểm phủ sóng dịch vụ ngân hàng toàn tỉnh và cung ứng vốn phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Tính đến cuối tháng 3-2012, nguồn vốn huy động tại chỗ của hệ thống NH đạt 4.220 tỷ đồng, tăng gấp 337,6 lần so với thời điểm tái lập tỉnh, tốc độ tăng bình quân đạt 33,79%/năm. Dự kiến cuối năm 2012, nguồn vốn huy động đạt khoảng 5.100 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn huy động có bước chuyển dịch mạnh, nếu năm 1992 tiền gửi tiết kiệm 12,5 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng 20% tổng nguồn huy động tại chỗ, thì đến cuối tháng 3-2012 huy động tiết kiệm chiếm tỷ trọng 70% tổng nguồn huy động tại chỗ.

Khách hàng giao dịch tạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tại Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn đạt 5.990 tỷ đồng, tăng gấp 111,84 lần so với thời điểm năm 1992. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 27,62%/năm; dự kiến đến cuối năm 2012 dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt khoảng 7.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phân theo ngành kinh tế tập trung ở các ngành mũi nhọn của tỉnh: nông nghiệp chiếm 24,79% tổng dư nợ, thương mại dịch vụ chiếm 48,41%, công nghiệp chiếm 26,8%. Ngoài ra, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cũng được nhiều Ngân hàng thương mại trên địa bàn quan tâm. Đến cuối tháng 3-2012, dư nợ khu vực nông nghiệp, nông thôn là 1.485 tỷ đồng. Vốn của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn đã được đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh; ngành ngân hàng cũng đã thực hiện giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất xuống còn 9,68% tổng dư nợ. Công tác kiểm tra liên ngành, xử lý vi phạm về lĩnh vực ngoại hối được triển khai thường xuyên, đã làm lượng ngoại tệ mua vào của các Ngân hàng thương mại tăng đáng kể so với thời điểm trước đây.

Chi nhánh Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương tại Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Cùng với cho vay phát triển kinh tế-xã hội của các Ngân hàng thương mại; Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại địa phương. Tổng dư nợ đến cuối tháng 3-2012 là 990 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo đạt 345 tỷ đồng, cho vay học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 373 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm 58 tỷ đồng, cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường là 78 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 97 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 33 tỷ đồng.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh và hệ thống các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ mới, trang bị hệ thống máy tính phục vụ cho hoạt động thanh toán qua ngân hàng; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, toàn tỉnh đã triển khai trả lương qua tài khoản cho người hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước với tổng số cán bộ công chức nhận lương qua tài khoản là 14.972 người, chiếm 86% tổng số cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh.

Quỹ tín dụng Nhơn Hải giải quyết nhanh gọn thủ tục vay vốn giúp nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ngành ngân hàng Ninh Thuận tiếp tục phấn đấu, góp phần cùng cả tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn tỉnh năm 2012 là 14-15%; hệ thống Ngân hàng trên địa bàn phấn đấu sử dụng tối đa nguồn vốn huy động tại chỗ và tranh thủ nguồn vốn từ Hội sở chính để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Theo đó, tổng dư nợ cho vay đến cuối năm 2012 tăng khoảng 20-22% so với đầu năm, duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức cho phép 3%, nâng cao tỷ trọng thu từ các hoạt động dịch vụ khác trong tổng thu. Hoạt động của các chi nhánh Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là cố gắng, nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; chú trọng đầu tư vốn kịp thời cho các công trình, dự án trọng điểm; tập trung vốn, ưu tiên cho vay lãi suất thấp đối với khách hàng vay vốn phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân Phủ Hà giao dịch với khách hàng. Ảnh: Duy Anh

Các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn không ngừng mở rộng đối tượng khách hàng và gia tăng doanh số cho vay, nhất là tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế -xã hội địa phương và hướng tới mục tiêu đảm bảo hệ thống ngân hàng Ninh Thuận hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển vững chắc.