Ninh Sơn khai thác thế mạnh vùng trồng cây nguyên liệu

Sau 20 năm chuyển biến mạnh mẽ, từ các vùng trồng cây nguyên liệu Ninh Sơn đã có điều kiện đưa nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

(NTO)Trong 20 năm qua, nhất là kể từ khi chia tách để tái lập huyện Bác Ái, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn huyện Ninh Sơn đã có bước phát triển quan trọng. Việc hình thành vùng nguyên liệu mía và khoai mì cung cấp cho Công ty Mía đường Phan Rang và Nhà máy Tinh bột mì đóng trên địa bàn đã khai thác được thế mạnh của địa phương, đặc biệt là các xã Hòa Sơn, Quảng Sơn.

Ninh Sơn là vùng chuyên canh mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường Phan Rang.
Trong ảnh: Nông dân xã Quảng Sơn vào mùa thu hoạch mía đường.  Ảnh: Văn Miên

Sức bật của vùng nguyên liệu có thể thấy rõ trong mùa thu hoạch vụ đông-xuân năm nay, diện tích mía và khoai mì không chỉ tập trung ở Quảng Sơn, Hòa Sơn mà đã mở rộng sang các xã lân cận trong huyện. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, toàn huyện hiện có 2.124 ha mía (tăng khoảng 15% so với năm ngoái) và 2.454 ha khoai mì (tăng khoảng 25%), trong đó ngoài xã Quảng Sơn có trên 1.600 ha mía, 1.250 ha khoai mì và xã Hòa Sơn có gần 150 ha mía, 719 ha khoai mì, diện tích còn lại của 2 cây trên được trồng rải rác ở thị trấn Tân Sơn và các xã Lâm Sơn, Mỹ Sơn, Lương Sơn và Ma Nới.

 
Mùa thu thu hoạch khoai mì của nông dân xã Hòa Sơn cung cấp nguyên liệu cho
Nhà máy tinh bột mì. Ảnh: Bạch Thương

Chỉ riêng cây mía, hằng năm nông dân Quảng Sơn cung cấp đến 60% nhu cầu nguyên liệu của Nhà máy đường. Tính từ năm 2007, diện tích mía trồng ở Quảng Sơn đã tăng thêm hơn 700 ha, chưa kể diện tích khoai mì trồng cũng đã tăng thêm 330 ha. Tận dụng các vùng đất ven sông, suối có thể bơm tưới được, vào vụ năm nay nông dân Hòa Sơn trồng được khoảng 150 ha mía như mọi năm, riêng diện tích trồng khoai mì toàn xã đã tăng thêm 211 ha so với năm 2008. Điều này cho thấy dù mở rộng vùng nguyên liệu, song do địa hình và điều kiện tự nhiên, Quảng Sơn và Hòa Sơn vẫn là 2 xã trọng điểm có diện tích trồng mía và khoai mì lớn nhất huyện.


Cây thuốc lá đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống nông dân vùng liệu nguyên Ninh Sơn.
Trong ảnh: Nông dân xã Mỹ Sơn chăm sóc cây thuốc lá niên vụ 2012. Ảnh: S.Ngọc

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thấp kém, nhất là giao thông, thủy lợi, song Ninh Sơn vẫn còn những tiềm năng lợi thế chưa được khai thác hiệu quả. Trong diện tích 17.000 ha đất canh tác cả huyện, lợi thế dễ nhận ra là thổ nhưỡng Ninh Sơn phù hợp với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như mía, khoai mì, thuốc lá và các loại cây ăn quả. Vì vậy, Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Sơn nhiệm kỳ 2011-2015 đã định hướng chú trọng phát triển cây công nghiệp để tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất đạt hiệu quả từ 60-70 triệu đồng/ha; mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ sinh học để tăng năng suất, chất lượng cây ăn quả, rau màu có lợi thế, sớm phấn đấu có từ 1 đến 2 sản phẩm có thương hiệu của địa phương và đặc biệt tập trung phấn đấu đạt diện tích 2.000 ha mía, 2.200 ha khoai mì, đồng thời phát triển cả diện tích thuốc lá nguyên liệu lên 1.000 ha. Một lợi thế khác là Ninh Sơn có diện tích đất rừng rất lớn, tán rừng phù hợp với chăn nuôi gia súc có sừng nên sẽ đẩy mạnh phát triển đàn bò từ 25.000 đến 29.000 con, trong đó bò lai Sind chiếm 32%.

Phát triển chăn nuôi bò đàn là lợi thế kinh tế của Ninh Sơn góp phần tăng thu nhập nâng cao
đời sống nông dân.   
Ảnh: Văn Miên

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015, Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Sơn đã đề ra mục tiêu kinh tế tăng trưởng 12-13%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn và mạnh hơn, đến năm 2015 giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 50%. Từ định hướng cơ cấu đó, sản xuất chủ yếu của huyện Ninh Sơn vẫn là nông nghiệp. Đồng chí Phan Hữu Đức, Bí thư huyện ủy Ninh Sơn cho biết: “Khai thác tiềm năng lợi thế đã có, Ninh Sơn chọn con đường phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả, từng bước hiện đại, bền vững và gắn với chế biến; tiếp tục phát triển ổn định các loại cây trồng, vật nuôi”. Theo đó, vùng trồng cây nguyên liệu mía và khoai mì (tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và một số xã dọc quốc lộ 27A) vẫn là điểm nhấn về sản xuất nông nghiệp của Ninh Sơn. Để khai thác thế mạnh này, Ninh Sơn chủ trương động viên, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động về ứng dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong canh tác nông nghiệp, coi đó là động lực của sự phát triển nhanh và bền vững.

 

Phát triển vùng cây ăn trái đặc thù xã Lâm Sơn tạo diện mạo mới kinh tế
nông thôn Ninh Sơn.  Ảnh: Văn Miên

Cùng với việc đầu tư hạ tầng vùng trồng cây nguyên liệu mía, khoai mì và thuốc lá, trong những năm tới Ninh Sơn tiếp tục phát triển vùng chuyên canh trồng cây ăn quả đặc thù xã Lâm Sơn. Đồng thời tạo điều kiện phát triển các hình thức kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế hộ để đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp cả huyện đạt 401 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 8,7%/năm.

 

Trung tâm huyện Ninh Sơn ngày nay. Ảnh Văn Miên

Để thực hiện mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là Ninh Sơn phải sớm xây dựng quy hoạch chi tiết về sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi và vùng chuyên môn hóa. Sau 20 năm chuyển biến mạnh mẽ, từ các vùng trồng cây nguyên liệu Ninh Sơn đã có điều kiện đưa nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiệu quả và bền vững như định hướng của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đề ra.