Phòng, chống cận thị học đường

Cận thị là tật khúc xạ của mắt làm bệnh nhân nhìn gần thì rõ nhưng nhìn xa thì rất kém. Hiện nay tỉ lệ mắc bệnh cận thị tuổi học sinh ngày càng gia tăng. Các bậc phụ huynh và học sinh cần biết về bệnh cận thị để phòng tránh, nếu mắc phải thì cần hạn chế tăng độ cận thị.

Nguyên nhân: Bệnh cận thị do 2 nguyên nhân gây ra:

- Bệnh cận thị bẩm sinh, trong đó độ dài của trục mắt dài hơn bình thường hoặc do thay đổi độ khúc xạ của giác mạc hoặc thủy tinh thể, làm trẻ mắc bệnh cận thị vào lúc 6 -12 tháng, chỉ phát hiện khi trẻ bắt đầu đi học và thường có “độ cận nặng” và mức tăng độ rất nhanh;

- Do trong sinh hoạt, học tập hàng ngày thường có những sai lầm sau: Thường đọc sách, viết, làm bài những nơi thiếu ánh sáng; đọc sách, viết liên tục nhiều giờ không cho mắt nghỉ, sách chữ quá nhỏ; hàng ngày xem ti-vi, học trên vi tính quá lâu; bàn, ghế không thích hợp với chiều cao của trẻ: quá thấp hoặc quá cao so với tầm vóc học sinh; tư thế không thích hợp khi đọc sách: cúi sát mặt vào sách, nằm, quỳ khi học, khi viết; trẻ gầy yếu thường dễ bị cận thị hơn trẻ khỏe mạnh.

Phân loại cận thị có nhiều cách:

- Cận thị sinh lý thường gọi là cận thị học đường, thường xuất hiện ở học sinh phổ thông, cận thị nhẹ và vừa.

- Cận thị bệnh lý (cận thị tiến triển, cận thị thoái hoá) do liên quan bẩm sinh, độ cận thị thường trên 6o và số kính thường tăng trên 1o/năm.

- Cận thị theo độ kính: Cận thị nhẹ dưới -3o (độ); Cận thị trung bình: -3o đến -6o; Cận thị nặng: trên 6o.

Tiến triển: bệnh cận thị nếu để tiến triển nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động của học sinh và tương lai sau này, cá biệt có thể tiến triển nặng như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc… có thể làm thị lực kém hoặc có thể mù lòa. Những trường hợp cận thị cần lưu ý: Bệnh cận thị xuất hiện càng sớm thì tiến triển càng nhanh; Bệnh cận thị có độ kính càng cao trên 6o; Bệnh cận thị tăng độ trên 1o/năm; Bệnh cận thị di truyền, bẩm sinh.

Bệnh cận thị ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng sống.

Để phát hiện trẻ mắc bệnh cận thị sớm, nếu thấy trẻ có một trong các hiện tượng sau thì cần đến cơ sở chuyên khoa mắt khám ngay: Khi thấy trẻ thường nheo mắt khi nhìn xa, xem ti-vi, đọc sách, học bài thường nhìn sát vào sách, vở; trẻ chép bài trên bảng thường bị sai nhiều lỗi; nếu trẻ than thường thấy mỏi mệt, đau đầu, mỏi mắt khi đọc nhiều, làm việc bằng mắt nhiều.

Phòng bệnh cận thị:

+ Luôn bảo đảm đủ ánh sáng khi làm việc, đặc biệt làm việc có tập trung mắt. Phòng học nên có diện tích cửa sổ tương ứng ¼ diện tích sàn.

+ Đọc sách, viết nơi đủ ánh sáng, không đọc sách chữ quá nhỏ, chữ in mờ, giấy quá xấu;

+ Ngồi học, đọc sách, viết đúng tư thế: ngồi thẳng lưng, đầu hơi cúi 15o, mắt cách chữ viết 35 – 40cm

+ Đọc sách, viết, làm việc tập trung bằng mắt thời gian khoảng 1 tiếng cần nghỉ mắt 5 phút: cho mắt nhìn xa, hoặc nhắm mắt dùng tay day nhẹ theo vòng tròn quanh vùng hốc mắt vài vòng rồi lại quay ngược chiều;

+ Cần ăn uống đủ chất, nhất là rau lá sậm màu, trái cây có màu vàng, các loại gan để tăng cường cung cấp Vitamin A và Bêta-Caroten cho mắt;

+ Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi làm việc xong, tránh dụi tay vào mắt phòng các bệnh cho mắt.