LIÊN HOAN LÀNG BIỂN VIỆT NAM TẠI NINH THUẬN:

Hoành tráng, ấn tượng, đậm màu văn hóa biển

Liên hoan làng biển Việt Nam tại Ninh Thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là nâng cao nhận thức về biển đảo, sưu tầm, khai thác và tôn vinh các giá trị văn hóa, văn nghệ, thể thao của các làng biển...

(NTO) Liên hoan làng biển Việt Nam – khu vực Nam Trung Bộ - đã được khai mạc tại quảng trường 16/4, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vào tối ngày 2/8/2011 – truyền hình trực tiếp trên VTV2, VTV4 và NTV. Lễ khai mạc thực sự hoành tráng, ấn tượng và đậm sắc màu văn hóa biển. Ngoài phần “lễ” ngắn gọn, phần “hội” là sự đan xen của những tiết mục nghệ thuật đỉnh cao, mang tính bác học do các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn và những tiết mục thực sự văn hóa dân gian của các nghệ nhân “chân đất” đến từ các làng biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Chương trình được mở màn với tiết mục “tiếng trống khai hội làng biển” hoành tráng của đoàn chủ nhà Ninh Thuận, trong đó chủ công là các loại trống của làng biển người Việt bên những loại trống của người Hoa, người Chăm và người

Ra glai kết hợp với múa bả trạo, múa náp, múa siêu, thể hiện khá đầy đủ sắc màu văn hóa dân gian làng biển của một tỉnh cực Nam Trung Bộ. Các nghệ nhân cư dân biển của xã Hải An, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã đem đến liên hoan tiết mục “hò bả trạo”, tức hò chèo thuyền. Đây là loại hình văn hóa dân gian mang tính tâm linh tiêu biểu, gắn với tục thờ cá Ông của cư dân Nam Trung Bộ. Từ vùng biển Đông Nam Bộ, các nghệ nhân đến từ thành phố Hồ Chí Minh với tiết mục "Cầu an – lý chèo đưa cá Ông” thể hiện sự biết ơn cá Ông, một vị thần chuyên phò trợ, cứu giúp cho những người đi biển, nhất là những khi gặp nạn ngoài khơi xa. Đối với cư dân biển, những làn điệu dân ca, hò vè luôn song hành với đời sống tinh thần biết bao đời nay của những con người luôn “ăn to, nói lớn, ăn sóng nói gió” để át tiếng sóng biển, gió biển, hình thành nên kho tàng diễn xướng dân gian đặc sắc. Đoàn nghệ nhân tỉnh Bình Thuận đã mang đến tiết mục diễn xướng dân gian, “Giữ yên vùng biển quê mình” thật sự ấn tượng. Một trong những nét đặc trưng của văn hóa cư dân ven biển của Nam Trung bộ là bài chòi. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đâu đâu cũng biết chơi bài chòi, cứ vào dịp tết nguyên đán, khắp các vùng quê, hội bài chòi được tổ chức. Đoàn nghệ nhân đến từ xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã đem về liên hoan tiết mục “Hô bài chòi” đặc sắc, đậm sắc màu văn hóa Nam Trung bộ.

Điều cũng đáng nói là, lễ khai mạc Liên hoan làng biển Việt Nam diễn ra trong sự hồi hộp của Ban tổ chức. Mới chiều hôm trước, với sự ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm mưa và gió mịt mù. Có lẽ cảm nhận được sự vất vả tập luyện và chuẩn bị của các nghệ nhân nên “trời thương” nên trong đêm khai mạc, cả khu vực Nam Trung bộ trời quang mây tạnh với những ngọn gió đầu thu êm dịu và mát mẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho các diễn viên chuyên nghiệp cũng như các nghệ nhân chân đất thể hiện hết mình, góp phần làm nên một đêm khai mạc liên hoan làng biển Việt Nam hoành tráng, ấn tượng và đậm màu văn hóa biển.

Đua thuyền - một trong những hoạt động hấp dẫn thu hút nhiều du khách tại Liên hoan.
Ảnh: Sơn Ngọc

Sau đêm khai mạc, các hoạt động thi văn nghệ dân gian làng biển, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian làng biển, triển lãm ảnh, tư liệu thư tịch, sắc phong về biển, đảo Việt Nam và các hoạt động liên hoan ẩm thực tiếp tục diễn ra tại khu du lịch Ninh Chử - một trong những vịnh biển đẹp nhất của Việt Nam. Với những nội dung hoạt động phong phú và được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tỉnh Nam Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, liên hoan làng biển Việt Nam tại Ninh Thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là nâng cao nhận thức về biển đảo, sưu tầm, khai thác và tôn vinh các giá trị văn hóa, văn nghệ, thể thao của các làng biển, giới thiệu văn hóa ẩm thực biển và quảng bá tiềm năng du lịch biển các tỉnh Nam Trung bộ nói riêng, của du lịch biển Việt Nam nói chung.