Khai thác lợi thế phát triển năng lượng tái tạo

Mùa xuân năm nay, những công trình dự án năng lượng tái tạo (NLTT) ở Ninh Thuận đang bừng lên sức sống mới. Những cánh quạt gió khổng lồ vươn mình lên bầu trời xanh, cần mẫn quay trong nắng gió; những tấm pin mặt trời xếp nối nhau san sát thay thế cho những mảnh đất khô cằn ngày nào. Tất cả góp phần tạo nên một bức tranh tươi đẹp, tràn đầy sức sống cho vùng đất “nắng và gió”.

Phát huy tiềm năng lớn về NLTT, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, Ninh Thuận đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án năng lượng và xem đây là một trong những ngành trụ cột ưu tiên phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước. Mặc dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của tỉnh và quyết tâm của nhà đầu tư, năm 2023 tỉnh đã điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 9 dự án NLTT, tạo điều kiện để các dự án hoàn tất thủ tục về đầu tư, đất đai, đấu nối mua bán điện. Trong năm 2023, đã có một số dự án năng lượng hoàn thành, phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia như: Dự án điện mặt trời công suất 120MW (Thiên Tân 1, Thiên Tân 2); một phần dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 85MW; dự án điện gió Hanbaram, công suất 93MW và dự án thủy điện 20MW (hồ thủy điện Mỹ Sơn); có 2 dự án điện mặt trời công suất 120MW (Phước Thái 2 và Phước Thái 3) đã tiến hành khởi công.

Điện gió Đầm Nại. Ảnh: V.M

Đồng chí Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.576,85MW, 17 dự án điện gió với 890,75MW và 8 dự án thủy điện với công suất 131,95MW. Qua thực tế phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT đã xuất hiện nhiều sáng kiến với các mô hình kết hợp phát triển năng lượng với các ngành khác nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất. Cụ thể như: Mô hình phát triển dự án điện gió kết hợp điện mặt trời; mô hình kết hợp điện gió trên các tuyến đường dân sinh của dự án đồng muối Quán Thẻ; mô hình kết hợp phát triển điện mặt trời trên vùng bán ngập tại các hồ thủy lợi.

Trước đây, đối với các vùng đất này giá trị sản xuất hằng năm chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/ha, nhưng khi chuyển sang sản xuất điện mặt trời cho giá trị đạt gần 3,84 tỷ đồng/ha. Đơn cử như dự án Ttổ hợp NLTT BIM đã tận dụng diện tích đồng muối rộng trên 2.500ha tại dự án muối Quán Thẻ, xã Phước Minh (Thuận Nam) để phát triển dự án. Những diện tích đất không thể khai thác muối, Công ty BIM Energy, thuộc tập đoàn BIM đã đầu tư đưa vào vận hành cụm 3 nhà máy điện mặt trời với hơn 1 triệu tấm pin, sản xuất hơn 668 triệu kW điện mỗi năm, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Tiếp đó, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy điện gió công suất 88MW, tạo tổ hợp kinh tế xanh NLTT kết hợp sản xuất muối. Ông Đoàn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BIM, Tổng Giám đốc BIM Energy khẳng định, đây là mô hình điển hình cho phương thức đầu tư ngành NLTT theo hướng bền vững nhằm tối ưu hóa yếu tố đặc thù của địa phương nhiều nắng, gió và tài nguyên đất, tạo ra giá trị, hiệu quả sản xuất tối ưu; hằng năm nộp ngân sách nhà nước khoảng 270 tỷ đồng và giảm thiểu 600.000 tấn carbon. Đây cũng là sự khẳng định tiềm năng của lĩnh vực NLTT và đầu tư theo định hướng bền vững tại Ninh Thuận.

Những công trình NLTT đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đã tạo ra nhiều việc làm, đóng góp ngân sách cho địa phương. Theo đánh giá, các dự án NLTT đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính tỷ lệ 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than); sản lượng điện năm 2022 của tỉnh đạt 7 tỷ kWh, chiếm 5,4% tổng sản lượng điện NLTT của cả nước; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nâng cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng từ 19% năm 2017 lên 38% vào năm 2022; kinh tế - xã hội có bước phát triển tạo sức bật mới, vị thế của tỉnh được nâng lên. NLTT đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 4.600 lao động, chiếm 2,3% lao động đang làm việc trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là một trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước, Ninh Thuận đang triển khai nhiều dự án lớn với nhiều kỳ vọng phát triển mới. Đối với dự án thủy điện tích năng, ngoài dự án thủy điện tích năng Bác Ái với công suất 1.200MW sử dụng vốn đầu tư công, hiện EVN đang tiến hành thi công, dự kiến sẽ đưa 600MW của giai đoạn 1 vào vận hành giai đoạn 2025-2026 và đưa toàn bộ dự án vào vận hành năm 2028; hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có dự án thủy điện tích năng Phước Hòa, công suất 1.200MW đang được tỉnh cho nghiên cứu và thiết kế tiền khả thi để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Dự án trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW cũng đã được phê duyệt danh mục dự án, đang hoàn thiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, NLTT của cả nước, tỉnh sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư trên cơ sở tranh thủ, tận dụng cơ hội và chính sách; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, động lực như: Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, các dự án điện gió, điện mặt trời, Khu công nghiệp Cà Ná, hạ tầng giao thông kết nối vùng; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, công bố quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng. Mặt khác kiến nghị trung ương sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, điện gió giai đoạn mới, trong đó ưu tiên phát triển NLTT, nhằm đảm bảo phát triển bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh kêu gọi và triển khai đầu tư các dự án NLTT.