Đột phá ngành “công nghiệp không khói”

Từ một địa phương “trắng” trên bản đồ du lịch (DL), những năm gần đây, Ninh Thuận nổi lên là một trong những điểm đến hấp dẫn của DL miền Trung và cả nước. Năm 2023, Ninh Thuận là một trong những địa phương có mức tăng trưởng ngành DL nhanh nhất khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đạt 2,9 triệu khách. DL Ninh Thuận đang khẳng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Điểm đến hấp dẫn du khách

Nhằm phát triển ngành “công nghiệp không khói”, thời gian qua tỉnh đưa ra những chiến lược nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có thu hút du khách; thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng DL, từng bước biến Ninh Thuận là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Hoạt động DL thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân, mang lại nguồn thu không chỉ cho những đối tượng trực tiếp kinh doanh DL mà gián tiếp đối với các ngành liên quan, tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương. Thông qua DL, đã tác động các ngành khác cùng phát triển. Để đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư DL, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND về quy định cơ chế thu hút phát triển DL đẳng cấp cao trên địa bàn Ninh Thuận, nhờ vậy đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư, với nhiều dự án DL quy mô lớn. Đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án DL đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 51.690,2 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, các chủ đầu tư đang tập trung triển khai 8 dự án: Dự án Khu DL Bình Tiên, tổng vốn đầu tư 23.346 tỷ đồng; Dự án SunBay Park Hotel & Resort 4.779 tỷ đồng; Dự án Khu DL sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hỏm 200 tỷ đồng; Dự án Khu DL sinh thái Nam Núi Chúa 1.556 tỷ đồng...

Du khách chơi lướt ván diều tại khu vực biển Mỹ Hòa,
xã Thanh Hải (Ninh Hải). Ảnh: T.D

Các doanh nghiệp DL trong tỉnh đầu tư, nâng cấp nhiều điểm, khu DL nhằm tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh DL Ninh Thuận, đa dạng hóa sản phẩm DL, giúp cho lịch trình tham quan đến Ninh Thuận thú vị và nhiều trải nghiệm hơn. Cảnh quan thiên nhiên môi trường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển DL. Đã hình thành một số điểm tham quan DL mới, nhất là DL biển, DL dịch vụ cao cấp, phát triển dọc theo bãi biển từ Bình Tiên đến Cà Ná; sản phẩm DL đa dạng từ nghỉ dưỡng, ẩm thực, tắm biển, xem san hô tàu đáy kính, lướt ván diều, tập trung tại vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái và biển Ninh Chữ - Bình Sơn; DL thể thao mạo hiểm, giải trí như: Lướt ván diều (khu vực biển Mỹ Hòa); tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh bằng xe UAV (4 bánh), ATV (2 bánh), khai thác và đưa vào hoạt động sân golf tại Nara Bình Tiên Golf & Beach Resort,... được du khách quốc tế chọn là điểm đến ưa thích, giới truyền thông và các hãng lữ hành trong nước đánh giá cao. Ngoài ra, việc phát triển và mở rộng mới dịch vụ tại các vườn nho trên địa bàn tỉnh như: Xã Nhơn Sơn, Phước Thuận, Thái An; tháp Po Klong Garai, làng sen Mỹ Nghiệp, làng bích họa Hòn Thiên, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Láng Me, đồng cừu An Hòa... qua đó tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh DL Ninh Thuận, thu hút du khách. Năm 2023, hoạt động DL, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được phục hồi và tăng trưởng cao. Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đến tỉnh đạt 2,9 triệu lượt khách, đạt 107,4% kế hoạch, tăng 20,8% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế 40.000 lượt khách, đạt 200% so với kế hoạch, tăng 239% so cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng đạt 65%, trong những ngày lễ, Tết đạt 80-100%. Thu nhập xã hội từ hoạt động DL đạt 2.300 tỷ đồng.

Du khách tham quan vườn nho Thái An (Ninh Hải). Ảnh: V. Miên

Ngành DL tỉnh cũng đã tích cực triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động phát triển DL theo kế hoạch chung của toàn tỉnh như: Xây dựng hệ thống thông tin số DL, hệ thống wifi và kiosk miễn phí tại một số khu, điểm DL chính, hệ thống hướng dẫn viên DL ảo để nhằm mục đích hỗ trợ cho du khách; năng lực vận tải đến các vùng DL trọng điểm của tỉnh được tăng cường, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhất là cơ sở lưu trú DL được đầu tư khá, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú cho du khách trong và ngoài nước.

Đích đến ngành kinh tế mũi nhọn

Được hoạch định là ngành kinh tế mũi nhọn, tiềm năng rất lớn và đã có bước phát triển tương đối mạnh mẽ, DL Ninh Thuận đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Với mục tiêu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó: Khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%, ngành DL đóng góp 13% GRDP, doanh thu đạt khoản 2.900 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh; đến năm 2025 đưa DL Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải). Ảnh: Thái Huy

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp DL đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định.

Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển DL tích hợp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với các bộ, ngành trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh; cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2; cảng hàng không lưỡng dụng Thành Sơn;... Đẩy mạnh các hoạt động mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư phát triển DL; các công trình phát triển kinh tế - xã hội với phát triển DL theo quy hoạch, đảm bảo môi trường, tính đồng bộ, tính hiện đại, lâu dài, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng. Ưu tiên bố trí nguồn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để phục vụ công trình phát triển DL. Đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ DL thông minh.

Du khách trải nghiệm xe địa hình để tham quan khu du lịch Tanyoli (Thuận Nam). Ảnh: V.Nỷ

Tập trung phát triển DL vào chiều sâu, tiếp tục hình thành các sản phẩm DL mới, có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển theo 4 sản phẩm mới lạ: Khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; DL trải nghiệm đường sắt; điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. 4 sản phẩm bổ trợ: DL cộng đồng; vui chơi giải trí và ẩm thực; tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; thương mại DL. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ trong ngành DL; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DL của tỉnh bằng nhiều phương thức khác nhau. Đồng thời nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan nhà nước trong phát triển DL; nhất là trong thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến DL quốc gia và các địa phương trong khu vực. Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, để DL thực sự là mũi nhọn kinh tế của tỉnh và phấn đấu đưa Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm DL lớn mang tầm cỡ khu vực.

Với mục tiêu đến năm 2025, đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó: Khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%, ngành DL đóng góp 13% GRDP, doanh thu đạt khoảng 2.900 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh; đến năm 2025 đưa DL Ninh Thuận cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.