Ninh sơn chuyển mình phát triển

Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh đa ngành, lấy công nghiệp, thương mại - dịch vụ và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) làm định hướng phát triển ưu tiên, cũng như tích cực huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) theo hướng đồng bộ, hiện đại, sau nửa nhiệm kỳ, kinh tế Ninh Sơn trên đà tăng trưởng ổn định, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao, một làn gió mới mới trù phú, thanh bình thực sự đã và đang hiện hữu trên “phố núi”.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Đến huyện Ninh Sơn vào những ngày gần tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đi trên Quốc lộ 27 từ Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đến trung tâm huyện xen giữa những cánh đồng lớn sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là các nhà máy điện mặt trời “thẳng cánh cò bay”. Đồng chí Kiều Tấn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 17 tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tăng 2,3 lần so với năm 2020; cho giá trị sản xuất trên 1ha canh tác bình quân trên 500 triệu đồng; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: D.L

Cùng với đó, để công nghiệp - xây dựng phát triển, Ninh Sơn tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, duy trì và phát triển KT-XH có trọng tâm và chiến lược phát triển phù hợp định hướng phát triển chung của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2023, giá trị sản xuất các ngành của huyện đạt gần 3.700 tỷ đồng, bình quân tăng 20,4%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất điện chiếm tỷ trọng 33,7%, sản lượng điện ước tính đạt gần 1 tỷ kWh/năm, bình quân mỗi năm tăng gần 20%. Về thương mại - dịch vụ, huyện đã tập trung quy hoạch và tổ chức phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tham quan các vườn cây ăn quả tại các xã, thị trấn trên địa bàn gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, đến nay tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 2.674ha. Tổ chức thành công Lễ hội trái cây huyện Ninh Sơn lần thứ I; tổ chức hội thảo khoa học về nông nghiệp quy tụ các nhà khoa học hiến kế phát triển nông nghiệp cho Ninh Sơn, qua đó thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất ngành lên trên 900 tỷ đồng, tăng bình quân 10,1%/năm.

Chủ động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Việc xác định, nắm bắt và tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương đã tạo động lực để kinh tế Ninh Sơn tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng giá trị sản xuất bình quân đạt 14,5%/năm (vượt chỉ tiêu đề ra); thu ngân sách 88 tỷ đồng, đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo đạt 4,19 (nghị quyết dưới 6%); thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm... Tuy nhiên, để bứt phá thành công, Ninh Sơn xác định phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, gấp rút hoàn thành các dự án, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn ở những năm cuối nhiệm kỳ. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, tổng mức đầu tư xã hội trên địa bàn huyện là 773,9 tỷ đồng, với nhiều dự án lớn như: Hồ chứa nước Sông Than; kè chống sạt lở bờ Sông Ông; nâng cấp Quốc lộ 27; Cụm công nghiệp Quảng Sơn; đường Tân Sơn - Tà năng; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam... Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư công là 232,4 tỷ đồng, xây dựng mới 61 công trình trên các lĩnh vực gồm: Giao thông, giáo dục, văn hóa, xã hội, điện sinh hoạt và thủy lợi.

Đặc biệt, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các dự án, điển hình là tuyến đường Tân Sơn - Tà năng, mới đây UBND huyện đã chủ động ban hành kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hòa Sơn và Ma Nới dọc theo tuyến đường Tân Sơn - Tà Năng, làm cơ sở để các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức có cơ hội đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn, kêu gọi sự đầu tư hợp tác trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực CNC; đồng thời, định hướng, khuyến cáo người dân đầu tư phát triển theo tính bền vững, tích hợp đa giá trị, vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Đối với Cụm công nghiệp Quảng Sơn, bên cạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, UBND huyện đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ về định hướng quy hoạch, phát triển trên cơ sở quy hoạch và căn cứ tiềm năng, lợi thế của địa phương để ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, sớm giải quyết được nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho nhiều lao động...

Chia tay “phố núi” khi thị trấn Tân Sơn lên đèn, dù vẫn còn đó những khó khăn, thách thức song với sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền địa phương, nhà nhà, người người Ninh Sơn đều vui mừng, hân hoan đón xuân về, hứa hẹn một năm mới nhiều thành công, thắng lợi mới...