Mạnh giàu từ biển quê hương

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương phát triển kinh tế biển (KTB), với quyết tâm đưa KTB trở thành ngành kinh tế động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Khai thác lợi thế biển

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, tiềm năng, lợi thế các nhóm ngành KTB được nhận diện sâu kỹ hơn và khai thác, phát huy hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân KTB đạt 12,45%/năm, đóng góp 41,56% vào GRDP của tỉnh (mục tiêu 41-42%).

Đơn cử như huyện Thuận Nam đang hướng đến xây dựng trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh vào năm 2025. Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam đánh giá, từ nền tảng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đảng bộ huyện Thuận Nam đã mạnh dạn xây dựng những giải pháp có tính đột phá từ KTB, nhờ đó kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong 3 năm tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện hơn 20.130 tỷ đồng, bằng 95,2% kế hoạch; tổng thu ngân sách trên địa bàn trung bình mỗi năm đạt 92 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra cả nhiệm kỳ. Đa số các dự án đầu tư trên địa bàn huyện đều liên quan đến KTB, như: 20 dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành và phát điện với công suất 1.511 MW; cảng biển tổng hợp Cà Ná với quy mô có thể tiếp nhận tàu lên đến 300.000 tấn, trong đó đã đưa vào vận hành khai thác giai đoạn I (bến 1A) quy mô 100.000 tấn; Khu đô thị Đầm Cà Ná, đường Văn Lâm - Sơn Hải, đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná...

Một góc Ninh Hải. Ảnh: Phan Bình

Trên lĩnh vực du lịch (DL), DL biển ngày càng phát triển, góp phần quan trọng đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án DL đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 51.690,2 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, các chủ đầu tư đang tập trung triển khai 8 dự án gồm: Dự án Khu DL Bình Tiên, tổng vốn đầu tư 23.346 tỷ đồng; Dự án SunBay Park Hotel & Resort 4.779 tỷ đồng; Dự án Khu DL sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hỏm 200 tỷ đồng; Dự án Khu DL sinh thái Nam Núi Chúa 1.556 tỷ đồng... Năm 2023 thu hút 2,9 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần; doanh thu DL đạt 2.300 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 10% GRDP tỉnh. Những kết quả khả quan trên đã khẳng định rõ nét hướng đi đúng đắn của Ninh Thuận trong phát triển KTB dựa trên khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Động lực tăng trưởng bền vững

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Nhằm tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu phát triển KTB trở thành động lực phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian đến, tỉnh chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, các chính sách về KTB theo hướng liên kết, phát triển bền vững. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển; bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển. Rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển, hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Người dân phát triển nghề nuôi mực biển theo mô hình bán tự nhiên bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Tập trung nguồn lực để phát triển công nghiệp (CN) ven biển của tỉnh thành khu vực phát triển năng động, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển KTB, nhất là hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội theo hướng liên thông kết nối cao, đồng bộ, hiện đại, như sân bay Thành Sơn; hạ tầng cảng biển tổng hợp Cà Ná; tuyến đường sắt kết nối với nhà ga Cà Ná đến cảng biển; hệ thống giao thông kết nối cảng với đường liên vùng lên các tỉnh Nam Tây Nguyên; đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; cảng cạn và trung tâm logistics hạng II; đồng thời đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng các đô thị, khu cụm CN, truyền tải điện, du lịch. Phát triển mạnh CN năng lượng, cảng biển, đóng tàu, CN phụ trợ và các dịch vụ logistics ở khu vực phía Nam.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước, với hệ thống các nhà máy năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, trong đó một số dự án lớn đang triển khai như Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná giai đoạn I, công suất 1.500MW và các dự án điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII được duyệt. Ưu tiên phát triển CN chế biến, chế tạo gắn với cảng biển và logistics; từng bước chuyển sang các ngành CN có hàm lượng công nghệ hiện đại, CN sạch, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án tạo đột phá trong tăng trưởng ngành CN như: Tổ hợp nhà máy hóa chất sau muối; dự án nhà máy sản xuất Hydrogen,…

Đồng thời kiến nghị bổ sung quy hoạch đối với các dự án tổng kho xăng dầu, cảng cạn và trung tâm dịch vụ logistics. Rà soát, kịp thời điều chỉnh, cập nhật bổ sung, tích hợp quy hoạch các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia, hoàn thành trình phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng lớn như: Quy hoạch chung Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; Quy hoạch khu DL trọng điểm quốc gia Ninh Chữ; Quy hoạch phân khu phía Nam; Quy hoạch 4 vùng nuôi thủy sản; các đồ án quy hoạch xây dựng tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện hướng đến hình thành khu kinh tế ven biển của cả nước... nhằm mở ra không gian mới cho thu hút đầu tư, phát triển KTB của tỉnh.