Thời cơ để hàng Việt lên ngôi

Kết quả điều tra mới đây của Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo trung ương cho thấy, có đến 59% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết quả này có được là nhờ cuộc vận động " Người VN ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Sản phẩm dệt may trong nước đã được người tiêu dùng ưa chuộng hơn - Ảnh minh họa

Trong khi đó, trước đây, theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các loại thương hiệu nước ngoài, tức là chỉ có 23% người dân tin dùng các sản phẩm trong nước.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động tích cực đến toàn xã hội, giúp thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, bước đầu hình thành nét văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.

Sau 1 năm thực hiện cuộc vận động, lượng hàng hóa Việt được người tiêu dùng mua sắm đã tăng lên đáng kể. Tại TP. HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 95%. Trong 68 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố, doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng.

Cũng theo kết quả điều tra của Viện nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo trung ương tiến hành, 38% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”, 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn để thay bằng mua hàng Việt Nam”.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước là sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả; các sản phẩm đồ gia dụng; vật liệu xây dựng, nội thất; văn phòng phẩm; đồ trẻ em…

Góp phần vào sự thay đổi thói quen tiêu dùng này, ngoài vai trò Nhà nước trong việc điều tiết kinh tế vĩ mô, là sự đóng góp tích cực của nhà sản xuất và nhà phân phối. Các doanh nghiệp sản xuất đã có sự cải tiến đáng kể về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường trong nước có những thương hiệu Việt uy tín như Vinamilk, Vissan, may Việt Tiến, gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, Kinh Đô...

Các nhà phân phối trong nước đã có những hoạt động tích cực trong hoạt động kinh doanh nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Các siêu thị lớn trên toàn quốc liên tục thực hiện những chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, qua đó góp phần quảng bá hàng Việt. Tháng khuyến mãi do Sở Công Thương TP.HCM phát động vào tháng 9 hàng năm diễn ra sôi nổi với hàng trăm doanh nghiệp tham gia tại hầu hết các trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, hàng năm, Co.opMart tổ chức hơn 1.000 chuyến hàng lưu động mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng giảm giá đặc biệt cùng những món quà hấp dẫn khi mua hàng. Mang hàng Việt đến tận tay người dân là hình thức tiếp thị hiệu quả nhất, để người dân tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước, qua đó hình thành thói quen mua và sử dụng hàng Việt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, để cuộc vận động ngày càng sâu rộng hơn nữa thì nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cạnh tranh về giá cả, dịch vụ.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ xây dựng Đề án quốc gia về phát triển thương mại trong nước thông qua liên kết một số ngành dịch vụ (như phân phối, du lịch, vận tải, tài chính…) nhằm xây dựng và củng cố hệ thống phân phối hàng Việt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Bước sang năm thứ hai, thực tế cho thấy cuộc vận động vẫn được duy trì nhưng cũng đã có một phần bị "nguội” đi. Hiện nay, các chuyến hàng Việt về nông thôn ở các vùng có phần rời rạc so với năm 2010. Từ năm 2011, ở miền Nam, do thói quen người tiêu dùng thích tham gia mua bán tại các triển lãm hàng hóa nên việc tổ chức các gian hàng Việt rất tốt. Nhưng ở phía Bắc, các doanh nghiệp tham gia ít hào hứng hơn, một phần do phong cách marketing vùng miền, một phần không có tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp khi làm một chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Nguồn www.chinhphu.vn