Bức tranh kinh tế của tỉnh qua 6 tháng đầu năm

(NTO) Có thể nói nền kinh tế của tỉnh đã đi qua nửa chặng đường kế hoạch năm 2011 trong bối cảnh có nhiều khó khăn do tác động tình hình lạm phát thế giới và trong nước...đặc biệt, cơn lũ lịch sử vào đầu tháng 11/2010 đã để lại hậu quả khá nặng nề về kinh tế và dân sinh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình hình đó, tỉnh ta đã bám sát và cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 11/NQ-CP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã góp phần tạo nên nhiều điểm sáng trên bức tranh kinh tế của tỉnh, điểm nhấn đó là tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) ước đạt trên 1.415 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong số này nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 47,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%; dịch vụ chiếm 32,8% trên tổng GDP của tỉnh.

Hồ chứa nước Bà Râu (xã Phước Kháng-Thuận Bắc) đang được xây dựng với nguồn vốn
đầu tư trên 105 tỷ đồng, cung cấp nước tưới cho hơn 300ha đất sản xuất nông nghiệp
của vùng đồng bào dân tộc Raglai ở địa phương. Ảnh: Văn Miên

Ghi nhận đầu tiên là sản xuất nông nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, các công trình thủy lợi đầu tư hoàn thành đang phát huy hiệu quả nên bảo đảm nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Mặt khác, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2010 được triển khai đồng bộ, kịp thời. Nhờ đó, sản xuất vụ đông-xuân phát triển khá, tăng cả trên 3 mặt về qui mô, năng suất và sản lượng. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực, sản lượng một số cây công nghiệp ngắn ngày tăng cao, như cây mía tăng 40%, mỳ tăng 27%; một số mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như diện tích sản xuất giống được mở rộng trên 1.700 ha, mô hình tưới tiết kiệm được triển khai trên 1.500 hộ nông dân ở huyện Ninh Phước, góp phần giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất. Điều cũng nói là giá cả tiêu thụ nông sản thuận lợi nên đã tăng thêm thu nhập cho nhiều nông hộ. Lợi thế sản xuất giống thủy sản tiếp tục được phát huy, thị trường tiêu thụ thuận lợi, qui mô sản xuất được mở rộng. Theo đó, sản lượng sản xuất giống ước đạt trên 8,4 tỷ con, bằng 76,5% KH năm và tăng 41,6% so cùng kỳ.

Nông dân huyện Thuận Nam trong mùa thu hoạch lúa đông-xuân. Ảnh: Thanh Long

Ngành Công nghiệp tiếp tục có bước phát triển với giá trị sản xuất ước đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng khá và đạt 26,9%, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến đều tăng như: chế biến thủy sản tăng 8,2%, nhân điều tăng 9,7%, chế biến đường tăng 55,2%, xi măng tăng 15,6%, tinh bột mỳ tăng gấp 2,9 lần, đá granite tăng gấp 7,3 lần, một số cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư chiều sâu và mở rộng qui mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo tăng trưởng cho ngành công nghiệp.

Các ngành Dịch vụ tăng khá so với kế hoạch với giá trị sản xuất ước đạt 974,5 tỷ đồng, bằng 48,1% KH năm, tăng 9,1% so cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng nói trên phải kể đến ngành thương mại với tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt trên 3.706,5 tỷ đồng, tăng 23,1% so cùng kỳ. Các biện pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường được triển khai đồng bộ, kịp thời. Hoạt động quãng bá, xúc tiến du lịch có nhiều chuyển biến. Thông qua việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, đồng thời đã kết hợp khai thác tốt hơn các tour du lịch gắn với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, du lịch sinh thái...nên trong 6 tháng đã thu hút hơn 450 ngàn lượt khách, tăng 25% so cùng kỳ và bằng 56,3% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế hơn 35 ngàn lượt , tăng 2,9%, khách trong nước hơn 415 ngàn lượt khách tăng 27,9%...

Tác động quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng còn phải kể đến hoạt động các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước về triển khai các biện pháp thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, cơ cấu lại vốn cho vay theo hướng ưu tiên vốn cho sản xuất-kinh doanh, hạn chế cho vay lĩnh vực bất động sản, chứng khoán ; thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động, tỷ giá, hoạt động ngoại hối...Tính đến tháng 6/2011, dư nợ huy động vốn đạt 3.550 tỷ đồng, tăng 22,2% , dư nợ cho vay ước đạt 5.220 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục cho vay trên 67,6 tỷ đồng thuộc 9 chương trình an sinh xã hội, nâng tổng dư nợ đến nay là 917 tỷ đồng/ 98.600 đối tượng được vay vốn.

Về lĩnh vực đầu tư phát triển, toàn tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng ước đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước ước đạt 900 tỷ đồng, chiếm 36,7% và vốn của các thành phần kinh tế đạt 1.550 tỷ đồng chiếm 63,3% trên tổng vốn đầu tư. Công tác thu hút đầu tư đã có nhiều khởi sắc. Chỉ tính thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, nhờ môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư được tăng lên, nhất là các lĩnh vực tỉnh có lợi thế về năng lượng, du lịch, chế biến khoáng sản đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong 6 tháng, đã tiếp và làm việc với hơn 135 lượt đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước, có 76 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 35 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm với tổng vốn đăng ký trên 10.700 tỷ đồng...

Bên cạnh những ”mảng màu” sáng như đã nêu trên, thực tế phải nhìn nhận rằng nền kinh tế của tỉnh vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục như tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp so với kế hoạch đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; kết quả giải ngân một số nguồn vốn đầu tư còn thấp. Đối với một số ngành sản xuất như nông nghiệp cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch còn chậm, sản lượng một số cây trồng chính như cây nho, thuốc lá giảm mạnh; giá muối tiêu thụ thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của diêm dân. Tình hình dịch bệnh ở một số vùng nuôi tôm gây thiệt hại lớn cho nông dân. Hay như ngành công nghiệp tuy có tăng về tốc độ tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra (29-30%), một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp tiến độ còn chậm, một số dự án đầu tư kéo dài nhiều năm ...

Nhận rõ những khó khăn, hạn chế để đề ra các giải pháp hiệu quả với quyết tâm khắc phục cao nhất sẽ là ” chìa khóa” để tỉnh ta thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra trong những tháng còn lại của năm 2011, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.