Nông nghiệp được mùa, được giá

Một trong những tin vui của 6 tháng đầu năm 2011, từ số liệu của Tổng cục Thống kê, là nông nghiệp vừa trúng mùa, vừa được giá.

Lúa đông xuân năm nay so với năm trước của cả nước vừa tăng về diện tích (tăng 10,3 nghìn ha, trong đó các tỉnh phía Bắc tăng 4 nghìn, các tỉnh phía Nam tăng 6,3 nghìn), vừa tăng về năng suất (cả nước ước đạt 62,9 tạ/ ha tăng 0,6 tạ, trong đó các tỉnh phía Bắc ước đạt 60,3 tạ/ha tăng 0,7 tạ, các tỉnh phía Nam tăng 0,6 tạ, riêng vùng trọng điểm lúa Đồng bằng sông Cửu Long tăng 1,3 tạ).

Do diện tích, năng suất tăng nên sản lượng lúa đông xuân ước đạt 19,5 triệu tấn, tăng 258 nghìn tấn (các tỉnh phía Bắc ước đạt 6,9 triệu tấn tăng 98 nghìn tấn; các tỉnh phía Nam ước đạt 12,5 triệu tấn, tăng 160 nghìn tấn, riêng vùng trọng điểm lúa Đồng bằng sông Cửu Long đạt 10,5 triệu tấn, tăng 218 nghìn tấn). Sản lượng lúa đông xuân đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Lúa hè thu của các tỉnh miền Nam đã bước vào thu hoạch rộ, hứa hẹn sẽ có thêm gần 12 triệu tấn được thu hoạch. Để hạn chế sự thất thoát khi mùa mưa bão đến, để hỗ trợ nông dân, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các ngành các cấp mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

Cùng với lúa được mùa là kết quả khá đối với một số cây, con khác như ngô tăng 0,5%, rau tăng 3,3%, chè tăng 6,4%, cao su tăng 1,8%, điều tăng 4,2%, chôm chôm tăng 7,6%, đàn gia cầm tăng 5,9%; diện tích rừng trồng được chăm sóc tăng 2,8%, diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi tái sinh tăng 4,6%, sản lượng của khai thác tăng 3,6%, sản lượng gỗ khai thác tăng 13,1%; tổng sản lượng thủy sản tăng 3,2% (trong đó cá tăng 2,6%, tôm tăng 3,5%, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng tăng 5,2%,…).

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhìn chung 6 tháng 2011 tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản ước đạt 2.589 triệu USD, tăng 28%.

Xuất khẩu cà phê ước đạt 878 nghìn tấn, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước; giá tăng 57,2% nên kim ngạch đạt 1.932 triệu USD, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gạo ước đạt trên 4 triệu tấn, tăng 15,9%, kim ngạch đạt 1.957 triệu USD, tăng 13,4%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1.776 triệu USD, tăng 15,4%. Xuất khẩu cao su ước đạt 284 nghìn tấn, tăng 17,7%; giá tăng 61,8%; kim ngạch đạt 1.253 triệu USD, tăng 90,4%. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt 1.611 nghìn tấn, tăng 40,4%; giá tăng 32,9%; kim ngạch đạt 580 triệu USD, tăng 86,6%.

Xuất khẩu hạt điều đạt 69 nghìn tấn, tuy giảm 14,6% về lượng, nhưng do tăng 42,3% về giá, nên kim ngạch đạt 519 triệu USD, tăng 21,6%. Rau quả ước đạt 302 triệu USD, tăng 32,5%. Chè đạt 52 nghìn tấn, giảm 6,8%; giá tăng 4,2%; kim ngạch đạt 75 triệu USD, giảm 2,9%. Chỉ với 9 mặt hàng trên, kim ngạch đạt gần 11,4 tỷ USD, tăng gần 3,2 tỷ USD hay tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước, đó là tốc độ tăng rất cao, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng của toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cùng với được mùa, vụ này nông dân được cả giá, nhất là những người trồng cây công nghiệp lâu năm. Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp- thủy sản 6 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước tăng khá, lên đến 27,57%, trong đó nông nghiệp tăng 28,76% (riêng cây lâu năm tăng 57,21%, lâm nghiệp tăng 11,84%, thủy sản tăng 24,65%).

Mặc dù giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản tăng rất cao (26,2%) nhưng vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản, nên người nông dân nhìn chung đã có lợi.

Lợi ích này cộng hưởng với công cuộc xây dựng nông thôn mới bắt đầu được đẩy mạnh, sẽ góp phần vào việc thay đổi bộ mặt của nông thôn.

Tuy nhiên, chăn nuôi đạt kết quả thấp. Tại thời điểm 1/4/2011 so với năm trước, đàn trâu giảm 3,5%, đàn bò giảm 5,2%, đàn lợn giảm 3,7%.

Đàn trâu, bò giảm do diện tích chăn thả bị thu hẹp và do chuyển sang nuôi lấy thịt là chủ yếu. Đàn lợn giảm do dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng bùng phát từ cuối năm trước, làm cho trên 60 nghìn con bị chết và tiêu hủy; do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Đây là một trong những yếu tố làm cho giá thực phẩm tăng cao (tháng 6 tăng 2,47% so với tháng 5, tăng 22,21% so với tháng 12/2010, tăng 33,25% so với tháng 6/2010,…).

Bình quân 6 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm trước, giá bán sản phẩm của người chăn nuôi tăng 22,79%, thấp hơn tốc độ tăng 24,38% của giá thực phẩm chủ yếu do giữa giá mua của người sản xuất, giá bán ở chợ đầu mối và giá bán đến tay người tiêu dùng còn chênh lệch lớn- chứng tỏ tình trạng “bắt chẹt” giá đối với cả hai đầu (người sản xuất, người tiêu dùng) của người buôn bán khá phổ biến.

Mặc dù được mùa, được giá, nhưng người sản xuất nông, lâm nghiệp- thủy sản thu nhập vẫn còn thấp, tích lũy còn ít; ở những vùng khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều của thiên tai,… đời sống vẫn còn khó khăn.

Vì vậy, cùng với công cuộc đổi mới lần thứ 2 xây dựng nông thôn mới, nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, nâng cao trình độ đào tạo, tạo điều kiện tiêu thụ,… để nâng cao thu nhập, tăng tích lũy cho nông dân.

Nguồn www.chinhphu.vn