NGÀNH THỦY LỢI

Đảm bảo đủ nước cho vụ hè-thu

(NTO) Nhờ những cơn mưa trong tháng qua làm cho lượng nước tại các hồ thủy lợi tăng đáng kể, cộng với những biện pháp tưới tiêu hợp lý, hiệu quả của ngành thủy lợi, hầu hết diện tích sản xuất vụ hè-thu trong hệ thống tưới trên toàn tỉnh đảm bảo đủ nước.

Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý nước và Công trình (Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Thuận) cho biết: “Hiện mực nước tại các hồ Sông Sắt, Tân Giang, CK7, Ma Trai, Nước Ngọt,… đang ở mức xấp xỉ thiết kế hồ, hệ thống đập Nha Trinh – Lâm Cấm, Kênh Nam, Kênh Chàm,… đều đang ổn định. Theo tính toán, lượng nước này đủ phục vụ tưới trong 6 tuần. Đến thời điểm này, chưa có vùng sản xuất nào bị thiếu nước”.

Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) xuống giống trong vụ hè – thu.

Được hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng kế hoạch, hệ thống kênh Bắc được bê-tông hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tưới tiêu phục vụ sản xuất như: giảm thất thoát, dễ điều tiết, nguồn nước ổn định…Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải cho biết thêm: “Hơn 2.000 ha đất sản xuất của Ninh Hải ăn nước từ kênh Bắc đang được triển khai xuống giống đồng loạt theo đúng lịch thời vụ (chậm nhất hoàn thành vào ngày 15-7). Do xuống giống muộn hơn những địa phương khác một tháng, đơn vị khuyến cáo bà con sử dụng các giống lúa ngắn ngày, gieo cấy đồng loạt để tránh dịch bệnh; đồng thời huyện tổ chức tập huấn phòng bệnh và thăm khám đồng thường xuyên…”

Lão nông Nguyễn Văn Hiển (An Hòa – Xuân Hải – Ninh Hải) cho biết: “Rã ải mấy hôm rồi, bữa nay tôi cho cày 5 sào ruộng nhà để 3, 4 ngày nữa xuống giống cho đúng lịch thời vụ của hợp tác xã. Có kênh bê-tông rồi, chuyện tưới tiêu sẽ dễ hơn. Giờ gieo cấy, tưới tiêu đều theo lịch, theo kế hoạch. Ông Hiển cũng cho biết thêm, trong khi đợi một tháng xây kênh Bắc, bà con nông dân ở đây đều cày ải, phơi đồng để cải tạo đất. Riêng 150 ha ruộng ở Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) sử dụng nước hồ Thành Sơn sẽ tiến hành gieo cấy vào giữa tháng 8 nhằm tránh khả năng thiếu nước cục bộ ở khu vực này khi thời tiết bất lợi, mùa mưa đến chậm.

Áp dụng những giải pháp tưới tiêu hợp lý đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất của các địa phương. Ông Dương Tấn Ngọc, Trưởng Trạm Thủy nông huyện Ninh Phước cho biết, các hình thức tưới tiêu mà ngành thủy lợi tỉnh ta hay áp dụng là tưới luân phiên và tưới xen kẽ. Cách tưới này không chỉ mang lại hiệu quả tiết kiệm nước mà còn góp phần hình thành thói quen sản xuất đồng loạt, theo đúng kế hoạch thời vụ, tạo sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nông dân. Tuy nhiên, việc theo dõi, chỉ đạo, điều tiết lượng nước tưới trên từng xứ đồng phải luôn được tính toán kỹ lưỡng, hợp lý nhằm tránh trường hợp dư hoặc thiếu nước ở các khu vực cuối kênh, mương, vùng cao, vùng trũng,…

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị những phương án sẵn sàng đối phó với diễn biến thời tiết bất thường cũng được chú ý, trên tinh thần chủ động là chính. Với đặc điểm là địa phương có thời tiết khô hạn nhất cả nước, kinh nghiệm ứng phó với tình trạng thiếu nước của nhân dân và đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ thủy nông của tỉnh ta, là không ít. Ông Nguyễn Văn Năm, cho biết thêm: “Chúng tôi luôn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, mực nước các hồ thủy lợi, từ đó xây dựng kế hoạch tưới tiêu cho từng xứ đồng, từng hệ thống kênh mương theo mỗi thời điểm nhất định; đồng thời luôn có kế hoạch ứng phó trong mọi tình huống, nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất trong trường hợp xảy ra hạn hán.”

Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày hè, một màu xanh tươi mát của lúa non phủ hầu khắp các cánh đồng. Nước từ các hệ thống đập, kênh, hồ thủy lợi… vẫn đều đặn được dẫn về phục vụ cho sản xuất và đời sống mỗi ngày thêm xanh, ấp ủ màu vàng ấm no, hạnh phúc.