Quyết tâm tạo đột phá để cải thiện chỉ số pci

Bài cuối: Giải pháp để nâng cao chỉ số PCI

Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt khoảng 65-66 điểm, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có vị trí xếp hạng cao của cả nước.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 6-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, đến nay có thể nói, nhận thức của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được nâng lên, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) được triển khai tốt hơn. Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả thực hiện chỉ số PCI của tỉnh từ năm 2016 đến nay cho thấy, tính ổn định của các chỉ số thành phần (CSTP) PCI chưa cao; công tác hỗ trợ DN, nhất là về tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, chưa thật hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN đã có nhiều chuyển biến nhưng có việc còn bất cập; có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu trong giải quyết công việc đối với người dân và DN...

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020, Công ty TNHH MTV Mỹ Viên, xã Phước Ninh (Thuận Nam) được hỗ trợ dây chuyền sản xuất ngói màu không nung tự động với công nghệ hiện đại.

Để khắc phục kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, yếu kém nêu trên; đồng thời tăng cường vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, ngày 11-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chịu trách nhiệm chính của từng CSTP xây dựng kế hoạch cụ thể, đề xuất các giải pháp mới, tạo đột phá trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh năm 2021 và các năm tiếp theo, nhất là các nhóm giải pháp trọng tâm, đột phá như: Tăng cường hỗ trợ DN trong tiếp cận đất đai, giải quyết nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý các vướng mắc về đất đai; Nâng cao chất lượng hỗ trợ DN theo hướng bình đẳng, công bằng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ đào tạo lao động; Đẩy mạnh hỗ trợ DN chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN. Tiếp tục duy trì ổn định và nâng cao CSTP có thứ hạng cao; thường xuyên kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Rút kinh nghiệm từ kết quả triển khai trong 5 năm qua, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh linh hoạt triển khai các giải pháp mang tính chủ động như: Tăng cường minh bạch thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành tập trung và dùng chung trên phạm vi toàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung hoàn thành trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp đầy đủ các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025. Chú trọng đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các DN dễ dàng tiếp cận đất đai, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Đi liền với đó, tỉnh tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư theo hướng đổi mới, đi vào thực chất, hiệu quả, tạo niềm tin cho cộng đồng DN. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của DN còn tồn đọng, kéo dài; trước mắt tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch COVID-19. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; tiếp tục cắt giảm 30-40% thời gian giải quyết TTHC gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm chi phí và thời gian thực hiện cho người dân và DN... Phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh hằng năm tăng khoảng 0.5-1.0 điểm, trong đó điểm số các CSTP đạt từ 7.0 điểm trở lên, cụ thể: Chỉ số gia nhập thị trường tăng khoảng 8.54-8.70 điểm; Tiếp cận đất đai tăng 6.17-7.10 điểm; Tính minh bạch tăng 6.17-7.30 điểm; Chi phí thời gian tăng 7.70-8.20 điểm; Chi phí không chính thức tăng 6.87-7.40 điểm; Cạnh tranh bình đẳng tăng 6.43-7.10 điểm; Tính năng động tăng 6.85-7.40 điểm; Dịch vụ hỗ trợ DN tăng 6.50-7.0 điểm; Đào tạo lao động tăng 6.06-7.0 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tăng 7.38-8.0 điểm.

Sự quyết tâm trong chỉ đạo cải thiện chỉ số PCI của tỉnh thì đã rõ. Vấn đề còn lại là các sở, ngành, địa phương cần phải có quyết tâm cao, phải xây dựng cho được kế hoạch thực hiện cụ thể, hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và DN của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC..., nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.