Quyết tâm tạo đột phá để cải thiện chỉ số PCI

Bài 2: Phấn đấu tăng dần từng chỉ số

Để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hằng năm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi phiếu điều tra đến hơn 12.000 doanh nghiệp (DN) tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đối với tỉnh ta, hằng năm VCCI gửi phiếu điều tra đến khoảng 400 DN hoạt động trên địa bàn tỉnh; riêng năm 2020, VCCI gửi phiếu điều tra đến 397 DN, nhận về 110 ý kiến phản hồi (đạt 28%).

Với quyết tâm tạo sự đột phá để cải thiện chỉ số PCI, trong 5 năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn lực, cơ hội đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung chủ yếu vào các chỉ số được gán trọng số cao và có liên quan tới sự phát triển của DN như: Tính minh bạch, Đào tạo lao động, Dịch vụ hỗ trợ DN, Chi phí không chính thức...; nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số PCI của tỉnh có xu hướng tăng.

Công ty TNHH May Tiến Thuận duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh trong đại dịch COVID-19. Ảnh: Văn Thanh

Qua so sánh 10 chỉ số thành phần (CSTP) với năm 2016, thì năm 2020 tỉnh ta có 4 chỉ số đã cải thiện điểm số và tăng thứ hạng qua các năm. Trong đó, gia nhập thị trường là chỉ số có sự bứt phá về điểm số và thứ hạng tốt nhất của tỉnh trong năm 2020. Điểm trung bình 3 năm qua của chỉ số này luôn đạt mức cao nhất so với các CSTP khác của tỉnh. Năm 2020 chỉ số gia nhập thị trường đạt 8,54 điểm, tăng 0,93 điểm, tăng 17 bậc so với năm 2019 và xếp thứ hạng 8/63 tỉnh, thành; so với năm 2016 chỉ số này giảm 0,02 điểm, nhưng lại tăng 22 bậc. Tiếp đến là chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đạt 7,38 điểm, xếp hạng 11/63 tỉnh, thành, tăng 1,23 điểm, tăng 36 bậc so năm 2019; so với năm 2016 chỉ số này tăng 2,04 điểm, tăng 14 bậc. Chỉ số chi phí không chính thức đạt 6,87 điểm, xếp hạng 21/63 tỉnh, thành, tăng 0,51 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2019; so với năm 2016 chỉ số này tăng 1,85 điểm, tăng 22 bậc. Đôi với chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh, đây là CSTP đo lường tính sáng tạo của chính quyền và lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách của Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đồng thời, đánh giá khả năng hỗ trợ và vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho DN. Kết quả khảo sát từ năm 2016 đến năm 2020 cho thấy, chỉ số này có cải thiện điểm số và xếp hạng cao trong hai năm gần đây. Năm 2020, CSTP này đạt 6,85 điểm, tăng 0,29 điểm, tăng 7 bậc so với năm 2019 và xếp hạng 16/63 tỉnh, thành; so với năm 2016, chỉ số này tăng 1,89 điểm, tăng 14 bậc.

Bên cạnh đó, có 4 chỉ số cải thiện điểm số nhưng giảm thứ hạng hoặc giảm điểm nhưng tăng thứ hạng, cụ thể: Đối với chỉ số chi phí thời gian, kết quả khảo sát giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, CSTP này có xu hướng tăng điểm và tương đối ổn định, trong 4 năm liền (2016-2019) nằm trong top 20 của cả nước. Năm 2020 CSTP này đạt số điểm cao nhất trong các năm với 7,7 điểm, tăng 0,22 điểm so 2019, tuy nhiên thứ hạng lại giảm 18 bậc so với năm 2019, giảm 13 bậc so năm 2016, xếp hạng 33/63 tỉnh, thành. Các DN cho rằng, việc thứ hạng của chỉ số chi phí thời gian chưa được cải thiện là do các quy định pháp luật trong một số thủ tục của tỉnh còn rườm rà, nhiều giấy phép con; các quy định còn chồng chéo giữa các lĩnh vực khác nhau. Mặt khác, tỷ lệ tích hợp, cung cấp dịch vụ công của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp (hết năm 2020 chỉ có 107 thủ tục hành chính được tích hợp cung cấp trên cổng dịch vụ công quốc gia), người dân, DN đa phần còn thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp, dẫn đến chi phí thời gian, đi lại của người dân và DN tăng; công tác tuyên truyền cho người dân, DN thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến chưa được phổ biến rộng rãi, chưa thường xuyên.

Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận vào ca sản xuất.

Đối với chỉ số tính minh bạch, theo kết quả khảo sát qua các năm, nhiều chỉ tiêu của CSTP này được DN đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Các DN cho rằng, việc tiếp cận tài liệu quy hoạch dễ dàng hơn, thông tin mời thầu được công khai, tăng 28%... Tuy nhiên, DN phản ánh nhiều chỉ tiêu còn hạn chế như: Việc tiếp cận các tài liệu về ngân sách để DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh còn khó khăn; vẫn còn tình trạng DN phải “thỏa thuận” khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế; số ngày để nhận được thông tin, văn bản sau khi DN đề nghị cung cấp chưa kịp thời; chất lượng cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa được cải thiện làm số lượng DN truy cập vào website của tỉnh giảm... Kết quả năm 2020, CSTP này đạt 6,17 điểm, giảm 0,4 điểm nhưng tăng 24 bậc so năm 2019, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành; so với năm 2016 chỉ số này giảm 0,07 điểm và tăng 11 bậc.

Các chỉ số như: Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,43 điểm, xếp hạng 37/63 tỉnh, thành, tăng 0,10 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2019; so với năm 2016 chỉ số này tăng 1,2 điểm, nhưng thứ hạng giảm 9 bậc. Chỉ số đào tạo lao động đạt 6,06 điểm, xếp hạng 46/63 tỉnh, thành, giảm 0,17 điểm, nhưng lại tăng 3 bậc so năm 2019; so với năm 2016 chỉ số này tăng 0,45 điểm, nhưng lại giảm 2 bậc. Riêng hai chỉ số còn lại là: Tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ DN đều có điểm số và thứ hạng giảm qua từng năm và được xếp vào nhóm thấp của cả nước. Tuy nhiên, qua phân tích các chỉ tiêu cấu thành CSTP này cho thấy, một số chỉ tiêu được DN đánh giá tốt, có cải thiện như: DN có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng, DN không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh tăng, việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi giảm so với trước đây, DN cho rằng sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất và đồng ý việc thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường tăng nhẹ...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc vẫn còn một số CSTP chưa đạt yêu cầu theo Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra xuất phát từ các nguyên nhân: Về khách quan, DN trong tỉnh phần lớn là DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 96%, khả năng cạnh tranh và tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế; một số dự án đầu tư gặp vướng mắc Luật Quy hoạch, chuyển đổi đất rừng, quy hoạch titan, nên tiến độ triển khai chậm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Về chủ quan, việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI ở một số nơi thực hiện chưa sâu kỹ; công tác phối hợp giải quyết các vướng mắc của DN có trường hợp còn chậm, kéo dài… Với kết quả trên, trong năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh đạt 63,44 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2019 và tăng 6,25 điểm, tăng 17 bậc so với năm 2016, xếp hạng 32/63 tỉnh, thành, nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế trung bình.

---------
Mời xem tiếp kỳ sau
Bài cuối: Giải pháp để nâng cao chỉ số PCI