Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác xã

Hiện nay toàn tỉnh có 85 hợp tác xã nông nghiệp, với 12.134 thành viên, số cán bộ quản lý 480 người; trong đó, cán bộ trình độ đại học, cao đẳng 78 người; trung cấp, sơ cấp 210 người. Để các hợp tác xã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã.

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, năng lực Hội đồng quản trị (HĐQT) của một số HTX vẫn là những con người cũ, chưa kịp thích ứng với cơ chế thị trường. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ HTX, giai đoạn 2013-2021 tỉnh giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 9 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ điều hành HTX với 344 lượt học viên tham gia, tổng kinh phí 400 triệu đồng; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn cho 2.480 lượt cán bộ quản lý HTX với tổng kinh phí gần 930 triệu đồng. Thông qua chương trình khởi nghiệp bằng mô hình HTX cho cán bộ trẻ, đã tổ chức lớp bồi dưỡng “Kỹ năng hợp tác xã kiểu mới” cho 40 cán bộ là chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX và cử 14 học viên của các HTX dự lớp xây dựng chuỗi giá trị tại tỉnh Bình Thuận.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: So với trước đây, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX những năm gần đây được triển khai với nhiều đổi mới, bám sát nhu cầu thực tế của các HTX, chia thành từng nhóm đối tượng để đào tạo, như các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ dành cho chủ tịch HĐQT, giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban kiểm soát HTX. Nội dung đào tạo tập trung nâng cao kiến thức về quản trị điều hành HTX, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, lập phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh... Qua đó, giúp học viên nắm bắt, nâng cao kiến thức nghiệp vụ để áp dụng hiệu quả vào hoạt động thực tiễn trong quản lý, vận hành hoạt động HTX.

Trước thực trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ, tay nghề và kinh nghiệm quản lý ở các HTX nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2063/QĐ-UBND ngày 3-12-2018 về hỗ trợ thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại các HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020, tạo động lực để các HTX có bước phát triển mới. Đến nay, đã tuyển dụng 19 lao động trẻ đúng theo tiêu chuẩn về làm việc tại 18 HTX, được hưởng lương từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án SOCODEVI - Canada hỗ trợ 2 cán bộ có trình độ đại học cho HTX Nho Evergreen Ninh Thuận. Việc tăng cường cán bộ trẻ về các HTX là chủ trương đúng đắn thúc đẩy sự phát triển, tạo diện mạo mới cho các HTX. Thực tế đã chứng minh, tại những HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh đều có người đứng đầu bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm”, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) chủ động liên kế với doanh nghiệp trồng măng tây xanh áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm với tổng diện tích 55 ha, lợi nhuận bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

Để giúp các HTX đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ HTX của Chính phủ; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm 2021-2025 của tỉnh. Công tác hỗ trợ HTX đi vào trọng tâm, trọng điểm, theo hướng ưu tiên đầu tư cho những HTX hoạt động theo mô hình kiểu mới để trở thành “đầu tàu” của kinh tế tập thể; trong đó, chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.