Tăng cường kiểm soát thị trường những tháng cuối năm

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng dự báo dịp cuối năm nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa của người dân vẫn tăng cao hơn so với ngày thường. Để bình ổn thị trường hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh buôn bán trên địa bàn quản lý. Thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ngăn chặn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 545 đợt, phát hiện và xử phạt 139 vụ, với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy, đề nghị tiêu hủy có tổng trị giá hơn 8 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu về lĩnh vực giá, ATTP, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và quy định nhãn mác hàng hóa. Điển hình ngày 22-3, Đội QLTT số 1 và số 2 tiến hành kiểm tra theo kế hoạch định kỳ. Qua kiểm tra, phát hiện 5 vụ buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu đã xử phạt 23,5 triệu đồng và tịch thu 717 bao thuốc lá điếu các loại. Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đã hạn chế sự lưu thông hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường và giảm thiểu sự tác hại đối với sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán và người tiêu dùng.

Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm.

Thời điểm này, cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đang chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vì thế các doanh nghiệp, cơ sở và dịch vụ thương mại đang dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), thị trường trở nên sôi động hơn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, sẽ là cơ hội cho gian thương trà trộn hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại, SXKD hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP. Cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, thị trường hàng hóa các loại và tại nhiều phân khúc thị trường sẽ có những biến động khiến cho công tác quản lý, kiểm soát thêm khó khăn.

Ông Phạm Đức Thuần, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Thực tế việc buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại dịp cuối năm vẫn tiếp tục xảy ra. Do hoạt động của đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn như sử dụng công nghệ cao, hiện đại làm cho người tiêu dùng khó phân biệt thật giả. Một phần cũng do nhận thức của một bộ phận người dân về tác động hàng lậu, kém chất lượng, không đảm bảo về ATTP, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; người kinh doanh chạy theo lợi nhuận, người mua hàng vẫn còn tâm lý chuộng hàng giá rẻ, chưa chủ động tố giác và phối hợp với các cơ quan chức năng khi mua nhầm hàng giả, hàng trôi nổi trên thị trường.

Nhằm ổn định thị trường, ổn định SXKD và bảo đảm quyền lợi của người người tiêu dùng từ nay đến cuối năm, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các đội QLTT tăng cường theo dõi địa bàn, nắm bắt, dự báo diễn biến thị trường, kịp thời phát hiện các biến động thị trường bất thường để có phương án xử lý. Tập trung kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Cục tiến hành kiểm soát chặt chẽ thực hiện các quy định về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhất là các điểm bán lẻ, siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại để kịp thời phát hiện những hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý thu lợi bất chính. Đồng thời, tăng cường kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc, biên giới miền Trung vào các tỉnh miền Nam và tiêu thụ trong nội tỉnh, các chợ đầu mối như chợ Phan Rang, chợ Tháp Chàm, các trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và vận động ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân SXKD trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.