Bánh vừng tuổi thơ

Có một thứ bánh chỉ làm từ bột nếp, bên ngoài là lớp vừng bao quanh, ăn giòn thơm, bùi, béo, ngọt…đã khiến biết bao nhiêu thế hệ tuổi thơ chúng tôi lớn lên nơi miền quê hai lúa Đồng bằng Bắc Bộ chẳng thể nào quên.

Bánh vừng thường làm vào cuối vụ đông, khi ruộng nếp vàng được gặt về nhà và xay xát thành hạt gạo trắng trong. Hay vào những khi nhà có giỗ, tết… lúc đó các bà, các mẹ quê tôi mới lui cui trong bếp để làm chiếc bánh vừng tròn xinh. Thường thì ngay cả ngày rãnh rỗi cũng ít khi thấy bà, hay mẹ làm, bởi để có một dĩa bánh vừng là cả một nghệ thuật, phải tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian, vì tất cả đều dùng tới hai bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Tôi nhớ cứ mỗi khi nhà có đám giỗ mẹ lại vào bếp làm món bánh này. Bột làm bánh phải chọn loại gạo nếp ngon, dẻo thơm nghiền bột nước thì bánh khi nặn mới dễ, bột khô thì phải trộn thêm nước trước một đêm cho ngấm đều (để khi rán bánh không bị nổ bắn tung tóe). Muốn cho bột nước nhanh khô, khi nghiềm về cho vào một túi vải treo lên khoảng nửa ngày, nước sẽ nhỏ xuống, bột tự khô. Nếu muốn nhanh có thể để túi bột trên tro bếp, tro bếp sẽ thấm hết nước.

Khi bột đã khô, cho vào âu lớn, trộn thêm chút bột đậu nành, gấc, lòng đỏ trứng gà … Đây cũng là bí quyết riêng của mẹ tôi vì đậu nành giúp bánh thơm, gấc sẽ làm bánh nhanh vàng hơn khi rán, còn trứng gà giúp bánh xốp giòn hơn. Nhưng chẳng phải muốn cho bao nhiêu cũng được vì nếu nhiều trứng hay gấc quá bánh sẽ cháy sém trước khi chín vàng.
Bột nhào nặn bánh phải thật đều tay, khi thành một hỗn hợp mịn, dẻo là được. Vo bánh thành hình tròn nhỏ như viên bi, hay hạt nhãn sau đó lăn trên dĩa có rắc vừng. Làm sao cho lớp bột bên ngoài phải dính một lớp vừng thật chắc… Vừng làm bánh khi mua về phải sàng, sẩy cho hết bụi, và hạt lép, sau đó chà lớp vỏ bên ngoài thật sạch, để khi ăn bánh không bị chát vì vỏ.
Bánh vừng ngon hay không còn phụ thuộc ở khâu rán, nếu quá tay hay non tay đều hỏng. Dầu rán bánh phải đổ ngập nồi, đợi khi dầu thật sôi mới thả bánh vào. Bánh khi mới cho vào hãy còn sống nặng nên chìm ngay xuống đáy, chỉ khi nào chín bánh mới nổi lên trên. Đây cũng là cách để nhận biết mà vớt bánh đúng thời điểm chín vàng.

Bánh vừng có thể ăn nhạt hay ăn ngọt đều đựơc, thông thường thì người ta vẫn cho mật mía hay đường thắng vàng lên trên mặt bánh mỗi khi cho ra dĩa thắp nhang cúng tổ tiên vào ngày lễ tết, hay mời khách.
Nếu ai đó đã từng thử ăn bánh vừng quê tôi hẳn sẽ chẳng thể nào quên được cái hương vị thơm béo từ vừng, ngọt giòn của bánh, ngậy của trứng và gấc… bởi thế mà tuổi thơ của lẽ trẻ con chúng tôi chẳng thể nào quên được hương vị cũng như cảm giác khi mỗi mùa đông về ngôi bên bếp củi, tay viên vo những miếng bột trắng dễ thương chờ mẹ rán chỉ để nếm sản phẩm mình tự tay mình làm…