Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ

Ngày 30-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quí I năm 2011, tình hình triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP và một số vấn đề quan trọng khác như: Chính sách trợ cấp khó khăn cho các đối tượng, công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai
Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ 

Một trong những vấn đề được các thành viên Chính phủ đồng tình và nhất trí với đề nghị của Bộ Tài chính về giải quyết khó khăn đột xuất cho người thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do áp lực tăng giá. Trong đó, qui định cụ thể về mức trợ cấp đột xuất cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội có mức lương thấp, các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo, chính sách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quí I năm 2010, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong quí I, các bộ, ngành và địa phương cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP đã tập trung tổ chức thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP và đã đạt được những kết quả bước đầu trong quản lý tiền tệ, tín dụng, lãi suất, quản lý ngoại tệ và vàng. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm đầu tư công đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm an sinh xã hội... Do vậy, sản xuất công nghiệp tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%, thu ngân sách bằng 21,2% dự toán năm (cao nhất trong vòng 3 năm qua), đầu tư nước ngoài tăng 1,6%, xuất khẩu tăng 33,7% (gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua)... đưa tốc độ tăng GDP quí I đạt 5,43%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,47%, dịch vụ tăng 6,28%. Đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật, gia đình người có công được quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, năm 2011 nhờ thực hiện các giải pháp không kéo dài thời gian giải ngân, không ứng trước kế hoạch năm 2012 vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, giảm 32% vốn trái phiếu Chính phủ, giảm 10% tín dụng đầu tư của nhà nước đã giảm được khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng. Về kết quả rà soát, cắt giảm các dự án trong kế hoạch năm 2011, theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của 30 Bộ, ngành ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm được 1.387 dự án với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng. “Cần phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc kiềm chế lạm phát nhưng không để đình trệ nền kinh tế, trong đó việc cắt giảm cân nhắc ưu tiên các công trình sớm đưa vào hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội ” - Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kiến nghị.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, những bất ổn chính trị tại các nước Trung Đông và Bắc Phi cùng với sức ép tăng giá cả hàng hóa từ thị trường thế giới và giá đầu vào các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu...tạo áp lực tăng giá hàng hóa, gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát (tháng 3 tăng 6,12%, nâng lạm phát quí I lên 12,79% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân. “Thời tiết bất thường làm chậm mùa vụ, dịch bệnh ở một số tỉnh cộng với giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng đã gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử nhấn mạnh.

Trước tình trạng trên đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp và các chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả, kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới. Trên tinh thần này, các thành viên Chính phủ kiến nghị, trong việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng cần chú ý nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trung và ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kiên quyết xóa bỏ tình trạng kinh doanh ngoại tệ trái phép, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng và ngoại hối...Thực hiện các biện pháp biện pháp để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. “Hơn lúc nào hết trong lúc này, Bộ Công thương cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức cuộc vận động mọi tầng lớn nhân dân tham gia tiết kiệm”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Các thành viên Chính phủ đánh giá trong tháng 3, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính được các Bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt. Trong đó, tiến hành thanh tra 779 cuộc đã phát hiện sai phạm với số tiền trên 32 tỷ đồng...

Tập trung giải quyết khó khăn cho người thu nhập thấp

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương đã tập trung triển khai, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp của NQ 02 và NQ 11 của Chính phủ, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, từ đó đạt được kết quả bước đầu đáng trân trọng. Nhấn mạnh những khó khăn đang ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta như: Giá cả nguyên liệu thế giới tăng kéo lạm phát tăng cao, lãi suất cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, nhập siêu tăng mà chủ yếu là những mặt hàng chưa cần thiết...Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quan tâm tăng trưởng nhằm đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động. Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ lãi suất, kêu gọi các ngân hàng giảm lợi nhuận và tiết kiệm chi phí để từng bước giảm lãi suất cho vay, trong đó ưu tiên vốn tín dụng cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Kiên quyết xóa bỏ kinh doanh ngoại tệ trái phép, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm trình Chính phủ ban hành về quản lý ngoại tệ theo hướng giảm cho vay ngoại tệ, đồng thời bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu và nhu cầu chính đáng của người dân cũng như bảo toàn dự trữ ngoại hối, trong đó phải đảm bảo đủ ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu. Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể cho các Bộ, ngành chức năng như: Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu ô tô con, xe máy, điện thoại, rượi ngoại... xây dựng các phương án đảm bảo đủ điện cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ thị trường giá cả; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm công bố các công trình, dự án cắt giảm đầu tư công, đồng thời xử lý các vướng mắc về nguồn vốn cho các các công trình giao thông, bệnh viện, trường học; Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản...

Yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc các chính sách đã ban hành, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và người làm công ăn lương, đồng thời khẩn trương xây dựng chính sách đối với công nhân lao động có thu nhập thấp. Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến cho Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Theo TTXVN