Bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, chiều 29/3, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phòng, chống mua bán người, Luật kiểm toán độc lập với đa số đại biểu tán thành. Riêng Luật Thủ đô, chưa được các đại biểu thông qua. Cũng trong buổi chiều, Quốc hội đã họp phiên bế mạc.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII

* Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, Điều 21 của Bộ luật này được sửa đổi theo hướng Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Viện Kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần... Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định Điều 32a BLTTDS về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. Các Đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS.

* Thông qua Luật phòng, chống mua bán người

Luật phòng, chống mua bán người với 8 Chương, 58 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đã được 91,28% số Đại biểu biểu quyết thông qua. Theo quy định của Luật, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: mua bán người theo quy định tại Điều 119 và 120 của Bộ luật Hình sự; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác... (Điều 3). Điều 24 của Luật quy định nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc mua bán.Cơ sở bảo trợ xã hội công lập tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nguyện vọng của nạn nhân, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho nạn nhân cũng như đánh giá khả năng hòa nhập cộng đồng, cung cấp các thông tin về chính sách, chế độ, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng...

* Chưa thông qua Luật Thủ đô

Dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội thông qua được thiết kế 4 Chương, 32 Điều. Các điều 10 (Quy hoạch Thủ đô) và Điều 21 (Quản lý dân cư) đã được trên 50% đại biểu tán thành. Tuy nhiên, với Điều 23, quy định về chính sách, cơ chế về tài chính và quản lý đất đai, chỉ nhận được 43,81% đại biểu tán thành, tỷ lệ đại biểu không tán thành là 39,55% và không biểu quyết là 8,23%.

Biểu quyết cho toàn bộ dự án Luật (trừ Điều 23), chỉ có 177 đại biểu tán thành thông qua (chiếm 35,9%), số đại biểu không tán thành là 221 (chiếm 44,83%) và có 54 đại biểu không biểu quyết (chiếm 10,95%).

* Thông qua Luật Kiểm toán độc lập

87,22% số đại biểu đã nhất trí thông qua Luật Kiểm toán độc lập, gồm 8 Chương, 64 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.

Luật quy định kiểm toán viên, có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên, tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức được đăng ký hành nghề kiểm toán (Điều 15). Điều 21 quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, trong đó yêu cầu phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức do Chính phủ quy định. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là kiểm toán viên hành nghề.

Căn cứ vào kết quả kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp hành nghề kiểm toán phải đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và các nội dung khác đã được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực kiểm toán. ...

*Quốc hội họp phiên bế mạc

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên bế mạc, thông qua dự thảo Nghị quyết Kỳ họp với tỷ lệ 90,67% số đại biểu tán thành. Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII đã hoàn tất chương trình nghị sự của mình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Kỳ họp

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, đánh giá bổ sung việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011; tiến hành công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét các Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ (2007-2011) của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước: Quốc hội đã thảo luận, phân tích toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn về chỉ đạo, điều hành, quản lý vĩ mô và thống nhất nhận định: Năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự quản lý điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước tăng khá; xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản tăng mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm…

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, từ nay đến hết năm 2011, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011 và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ để khắc phục những yếu kém, hạn chế; kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh, thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét và thông qua 3 dự án luật, đó là: Luật kiểm toán độc lập; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật phòng, chống mua bán người. Việc ban hành các đạo luật này góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện tiếp quy trình, thủ tục tố tụng dân sự, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự; tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm toán độc lập và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tội phạm liên quan đến mua, bán người.

Về các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, thắng thắn, phân tích sâu sắc những việc đã làm được, những việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và kiến nghị những định hướng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Quốc hội thống nhất nhận định: Bốn năm qua, trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ và giám sát của nhân dân, kế thừa, phát huy những thành quả, những bài học kinh nghiệm của các khóa trước, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới cả về tổ chức, phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Quốc hội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch nước với tư cách là một định chế trong tổ chức quyền lực nhà nước, đã có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động đối nội, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện, điều hành quản lý đất nước, quản lý xã hội một cách năng động, quyết liệt, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc sống. Các cơ quan tư pháp đã từng bước đổi mới theo lộ trình cải cách tư pháp và có nhiều tiến bộ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát hoạt động tư pháp. Những kết quả đó đã đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII; tổ chức thảo luận lấy ý kiến đóng góp ở địa phương về các dự án luật mà Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII đã gửi xin ý kiến; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương và thực hiện một số công tác khác để góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội khóa XII và tích cực chuẩn bị cho hoạt động của Quốc hội khóa XIII.

Các cấp, các ngành cần lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, một nhiệm vụ trọng tâm trong sáu tháng đầu năm; các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Các vị đại biểu Quốc hội trên mỗi vị trí công tác của mình tích cực tham gia công tác chuẩn bị bầu cử, giám sát hoạt động bầu cử và tuyên truyền cho công tác bầu cử...

Sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 -2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao , Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam