Khởi sắc với những mô hình kinh tế nông nghiệp

Trên chặng đường phát triển kinh tế nông nghiệp, vùng đất Phước Hậu (Ninh Phước) đã gặt hái nhiều thành công nhất định, tận dụng đất đai màu mỡ, người dân nơi đây ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Một mùa xuân mới lại về, niềm vui đón năm mới của nông dân địa phương thêm phần sung túc.

Đến Phước Hậu hôm nay, chúng tôi cảm nhận rõ nét sắc xuân đang hiện hữu với sự chuyển mình vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước đây, sản xuất tại địa phương đơn thuần chỉ dựa vào cây lúa và một số hoa màu thì nay đã khắc hẳn. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Hứa Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Là vùng trọng điểm nông nghiệp của huyện, tuy nhiên việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật còn hạn chế nên tiềm năng đất đai chưa được khai thác triệt để. Đó đã là câu chuyện của quá khứ, vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của xã có bước phát triển khá; đặc biệt, việc quy hoạch tổ chức sản xuất gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hết sức quan tâm, bên cạnh đó là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các tổ chức hội, đoàn thể cùng với ý chí vượt khó, sáng tạo của người dân đã làm nên những kết quả quan trọng, tạo ra những sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị.

Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, góp phần tăng thu nhập
cho thành viên HTX và hộ nông dân trên địa bàn xã Phước Hậu.

Trong phát triển kinh tế gia đình, lúa được xem là cây trồng chủ lực với diện tích trên 850 ha, để nâng cao kinh tế từ cây trồng này, nông dân áp dụng hiệu quả mô hình “1 phải 5 giảm” cho năng suất vượt trội. Có lẽ thành công nhất trong 2 năm trở lại đây, chính là việc địa phương thực hiện mô hình trồng lúa cánh đồng lớn (CĐL) đầu tiên của tỉnh, hướng đi mới cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, ban đầu chỉ với 56 ha triển khai thí điểm tại thôn Hiếu Lễ, đến nay đã nhân rộng ra toàn xã với hơn 560 ha; nông dân hết sức phấn khởi trước ưu điểm mô hình mang lại. Ông Quảng Nhu, ở thôn Hiếu Lễ, chia sẻ: Gia đình hiện có 5 sào, từ khi tham gia canh tác CĐL không còn vất vả như trước nữa, nông dân chúng tôi ứng dụng đồng loạt các giải pháp kỹ thuật; nhờ đó, lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm hẳn, năng suất bình quân đạt trên 7,5 tạ/sào, thu nhập cao hơn so với các ruộng lúa sản xuất thông thường… Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh, Phước Hậu là một trong những địa phương tiên phong triển khai mô hình dồn điền, đổi thửa thông qua hình thức san phẳng mặt ruộng bằng tia laser trên diện tích 16,5 ha, giảm đáng kể công lao động, năng suất 8 tạ/sào, lợi nhuận đạt từ 1,7-2 triệu đồng/sào/vụ.

Ngoài cây lúa, với khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, diện tích cây táo liên tục được mở rộng với 140 ha. Đặc biệt, mô hình trùm lưới bao quanh giàn táo nhận được nhiều sự chú ý của người dân thời gian gần đây. Chị Phạm Thị Chín, ở thôn Trường Thọ, cho biết: Mô hình trùm lưới giàn táo, ngăn chặn đáng kể ruồi vàng đục trái và các loại sâu hại khác, giảm thất thoát từ 30-50% sản lượng, trái xanh và bóng đẹp, giá bán ổn định so với táo trồng đại trà. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 30 ha táo đang áp dụng phương pháp này.

Nông dân xã Phước Hậu thu hoạch táo.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường, xã Phước Hậu đẩy mạnh hỗ trợ bà con canh tác theo quy trình VietGap, mô hình được xem là hướng đi phù hợp trong việc “sạch hóa” mặt hàng nông sản, mở ra triển vọng mới trong sản xuất táo ở địa phương. Trong chăn nuôi, người dân thực hiện nhiều mô hình linh hoạt, chủ động chuyển đổi hình thức chăn nuôi tự do, phân tán nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; một số nông hộ còn chủ động hợp tác với doanh nghiệp liên minh sản xuất giống dê Bachboer, để hướng tới tạo dựng thương hiệu mạnh trên thị trường đối với giống dê siêu thịt này. Ngoài ra, nông dân cũng chủ động tìm tòi, thử nghiệm mô hình nuôi heo đen, bước đầu mang lại tín hiệu đáng mừng…

Từ sự định hướng, sát cánh hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhân dân trên địa bàn xã từng bước áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp và điều quan trọng nhất chính là người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ phương thức sản xuất cũ mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, mở ra nhiều hướng làm ăn mới, làm giàu trên chính mảnh đất thuần nông. Chuyển biến rõ nét từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đáng kể đời sống, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 32 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,53%, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Kết quả có được như ngày hôm nay sẽ là động lực cho người dân Phước Hậu tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo thêm những mùa xuân nối tiếp tràn đầy hy vọng và no ấm.