Ninh Phước: Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Chủ trương “cánh đồng lớn” ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp (SXNN) được huyện Ninh Phước triển khai sâu rộng từ năm 2017, đây được xem là giải pháp đột phá nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, Ninh Phước đã và đang hình thành nhiều mô hình SXNN tiên tiến và hiệu quả. Đặc biệt, một số mô hình SXNN “sạch” làm vệ tinh, liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp CNC đã được hình thành, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, đem lại cho người dân những “mùa xuân” no ấm.

Nông dân từng bước “làm chủ” công nghệ

Những ngày cuối năm, bà con nông dân vùng chuyên canh lúa Phước Hậu đang hăng say lao động trong không khí tươi vui, hối hả. Với diện tích lúa trên 850 ha, chiếm ¾ diện tích đất nông nghiệp của địa phương, xác định trồng lúa theo phương thức cũ không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Phước Hậu đã vận động nông dân áp dụng những mô hình sản xuất lúa tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng hạt, đột phá là mô hình “cánh đồng lúa lớn”, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Đến nay, toàn xã có 563/850ha duy trì mô hình “cánh đồng lúa lớn” và 16,6ha thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, qua đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, công lao động và tăng năng suất lúa bình quân lên 70 tạ/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 17 - 20 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất lúa, xã Phước Hậu còn vận động và hướng dẫn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn trái đặc sản ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Sản phẩm măng tây xanh của Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước) đảm bảo
an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Tuấn Anh

Qua nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, xã Phước Hậu đã có trên 100ha lúa được chuyển đổi sang trồng nho, táo, nâng diện tích trồng nho, táo lên gần 300ha, mang lại thu nhập cao gấp 5-6 lần trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Năm 2019, người dân địa phương mạnh dạn áp dụng mô hình trồng táo phủ lưới chống ruồi đục trái trên diện tích 30ha cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Là một trong những hộ đầu tiên thử nghiệm mô hình trồng táo phủ lưới, nông dân Nguyễn Đình Kinh ở thôn Trường Thọ cho hay: Tôi nhận thấy mô hình phủ lưới có hiệu quả tối ưu trong việc chống ruồi vàng đục trái và các loại sâu hại khác, giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật đến 90% và giảm thất thoát từ 30-50% sản lượng, trái táo sạch và bóng đẹp, được thương lái mua với giá cao hơn so với trồng táo đại trà. Qua thử nghiệm trên vườn táo gần 2 sào, đến nay tôi đã phủ lưới cho toàn bộ hơn 3 sào táo của gia đình, cho thu nhập tăng gần gấp đôi so với trước đây.

Cùng với xã Phước Hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng tăng sản lượng nông sản hàng hóa, chất lượng cao, quy mô lớn là mục tiêu mà xã An Hải đang hướng tới. Một trong những nông sản được người dân địa phương canh tác theo mô hình “cánh đồng lớn” là măng tây xanh. Đồng chí Bùi Thế Ly, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ cây măng tây xanh mang lại, nhiều hộ dân ở thôn Tuấn Tú đã chuyển dần diện tích đất canh tác các loại rau màu trước đây như hành, cà rốt, đậu phộng… sang trồng măng tây xanh. Những đồi cát hoang hóa cũng được người dân cải tạo bằng phẳng để trồng loại cây này. Đến nay, diện tích măng tây xanh trên địa bàn xã đã lên gần 80ha, trong đó có hơn 25ha được canh tác theo mô hình “cánh đồng lớn” liên kết với các hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh nông sản “sạch”. Là một nông dân “nổi tiếng” bậc nhất xã, ông Hùng Ky ở thôn Tuấn Tú là người tiên phong trong lĩnh vực trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ an toàn và cũng chính ông là người “sáng lập” HTX Tuấn Tú liên kết 60 hộ trồng măng tây xanh ở địa phương. Ông Hùng Ky chia sẻ: Với giá trung bình 50.000 đồng/kg, mỗi sào măng tây xanh đến kỳ thu hoạch, 1 ngày có thể thu về cả triệu đồng, dẫn đến nông dân trồng một cách ồ ạt, rồi “cung vượt cầu” tránh sao được cảnh “được mùa mất giá” nên tôi đã nghĩ đến hướng đi liên kết các hộ trong vùng sản xuất theo hướng chú trọng chất lượng, nâng cao giá trị nông sản và HTX Tuấn Tú ra đời nhằm mục đích đó. Đến nay, HTX của chúng tôi đã có 60 hộ xã viên, nhiều hộ xã viên đã thoát được nghèo nhờ trồng măng tây xanh hiệu quả. Đơn cử là ông Châu Văn Bến là hộ nghèo ở địa phương. Trước đây, 4 sào đất của gia đình ông cũng trồng măng tây xanh nhưng năng suất thấp. Khi ông Bến tham gia HTX Tuấn Tú và được vay 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng quy trình VietGAP, đến nay, 4 sào măng tây xanh của gia đình ông cho năng suất cao, thu nhập từ 300-400 triệu/năm. Hiện gia đình ông Bến đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Phát triển nông nghiệp CNC là hướng đi bền vững

Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện Ninh Phước đặc biệt chú trọng việc ứng dụng tiến bộ KH-KTvà CNC vào SXNN, nhân rộng các mô hình hiệu quả nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng; xây dựng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên các loại cây trồng chủ lực là nho, táo, măng tây xanh, lúa giống, bắp giống và đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả.

Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) trồng nho theo quy trình VietGAP thu hút du khách đến tham quan, mua sản phẩm. Ảnh: Văn Nỷ

Qua gần 3 năm phát triển nền nông nghiệp theo hướng CNC, toàn huyện đã nhân rộng được 12 cánh đồng lớn với quy mô 1.648ha gồm lúa, bắp và măng tây xanh; 20ha ruộng thực hiện san phẳng bằng tia laser; 473,7ha rau an toàn; 71,5ha nho, táo, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận hữu cơ 10ha măng tây xanh, đậu phộng; mở rộng hình thức liên kết “4 nhà” trong sản xuất bắp giống trên diện tích 680ha. Đặc biệt huyện đã kêu gọi 1 doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng SXNN hữu cơ gắn với phát triển năng lượng tái tạo tại xã An Hải. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều tiến bộ khi thực hiện ứng dụng quy trình CNC vào chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, bán công nghiệp trên các vật nuôi đặc thù, lợi thế của huyện như: tôm giống, dê, cừu, heo, gà, chim yến…

Ðồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước nhìn nhận: Phát triển nông nghiệp CNC đã được địa phương xây dựng bằng những bước đi cụ thể với nhiều mô hình ứng dụng CNC toàn diện trên cả 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó đến nay, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích của huyện đạt 193,5 triệu đồng/ha, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt hơn 2.540 tỷ đồng, thu nhập bình quân ở mức 41 triệu đồng/người/năm. Từ những thành quả tiền đề đó, nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới của huyện là tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các xã, thị trấn rà soát, hoàn thiện hạ tầng phục vụ SXNN, đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng KH-KT, công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước, kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Tín hiệu vui từ các mô hình SXNN ứng dụng CNC của huyện Ninh Phước đã và đang đem lại triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tin rằng, với quyết tâm và sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Ninh Phước sẽ sớm định hình những vùng SXNN quy mô lớn và tiên tiến, những vùng sản xuất trình diễn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân các địa phương lân cận, đồng thời cung cấp các dòng nông sản chất lượng, an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó có thể khẳng định phát triển nông nghiệp theo hướng CNC là hướng đi bền vững trong điều kiện SXNN ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp người nông dân “làm chủ” công nghệ trên chính cánh đồng của mình.