Nông nghiệp cất cánh

Theo dõi hoạt động của ngành Nông nghiệp, với những thành công mang lại và thắng lợi trong năm 2019 đã củng cố thêm niềm tin vào sự phát triển đi lên của ngành.

Những điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Tỉnh ủy cho thấy, cách điều hành, chỉ đạo sản xuất của ngành chức năng, các địa phương là rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng khu vực.

Mô hình cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh triển khai ở xã Phước Hải (Ninh Phước).

Khi mà nông dân bị ảnh hưởng tập quán canh tác nhỏ lẻ, thì cách làm hay để hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa là chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, trong đó xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) là không thể thiếu. Tính đến nay, trên toàn tỉnh đã xây dựng được 10 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tất cả đều đưa đến thành công hơn mong đợi. Lấy ví dụ về hiệu quả của chuỗi măng tây xanh ở HTX Dịch vụ Tổng hợp nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) cho thấy liên kết sản xuất là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập, bản thân nông dân không thể tách rời, đứng  ngoài cuộc.

Nông nghiệp năm 2019 khởi sắc hơn nhờ có sự “đột phá” trong nhân rộng các mô hình hiệu quả. Để xây dựng được 24 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 2.913 ha (một số vùng áp dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng bằng laser, sản xuất theo quy trình VietGAP), ngành chức năng, các địa phương chọn giải pháp tăng cường hỗ trợ nông dân, HTX một phần kinh phí trong vụ đầu làm chất “xúc tác” để tiếp tục duy trì, nhân rộng ở những vụ tiếp theo. Đến nay, khi diện tích chuyển đổi cây trồng cạn đạt hơn 1.671 ha (vượt 3,75% kế hoạch), thì niềm tin vào chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chú trọng sử dụng giống tốt, đưa vào canh tác các loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu khô hạn để tạo ra sự khác biệt càng được bồi đắp.

Kỳ vọng vào tương lai tươi sáng mỗi khi soi rọi vào hiệu quả của các mô hình để thấy sản xuất nông nghiệp đang dịch chuyển dần từ “lượng” sang “chất”. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo tin vui: Vụ mùa năm 2019 cả tỉnh sản xuất 50 ha lúa Đài Thơm, mở đầu “chương mới” trong thực hiện cơ cấu lại nội ngành trồng lúa gạo. Lâu nay, nông dân chỉ quen trồng giống lúa hạt tròn phục vụ chế biến là chính, thì hiện nay khi giống lúa Đài Thơm với ưu điểm dẻo mềm, giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng đã tạo “đột phá” mới trong tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nông dân Phước Nam (Thuận Nam) thu hoạch lúa vụ mùa đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Ngày Xuân, ngồi đàm đạo với đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh mới thấy trong khó khăn, tỉnh ta đã tìm được hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Khi diện tích đất canh tác đạt đến đỉnh điểm, không thể mở rộng thêm (thậm chí bị thu hẹp để phục vụ đầu tư các dự án, phát triển công nghiệp, năng lượng tái tạo) thì để duy trì tăng trưởng, các địa phương có cách làm hay là đẩy mạnh áp dụng khoa học - học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị đơn vị diện tích; trong đó, chú trọng sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sản xuất trong nhà lưới theo hướng hữu cơ. Tiếp thêm sức mạnh cho nông dân bước vào thời kỳ nông nghiệp 4.0, trong năm 2019 lãnh đạo tỉnh thường xuyên về cơ sở động viên các hộ, HTX, doanh nghiệp tích cực tham gia các mô hình mới, tạo khí thế thi đua lao động sôi nổi. Noi gương tinh thần làm việc không biết mệt mỏi của người đứng đầu, một số địa phương vượt qua khó khăn của thời tiết khô hạn, biến bất lợi thành có lợi, xây dựng những mô hình điểm, mở rộng diện tích sản xuất các loại cây đặc thù như nho, táo, măng tây xanh…, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nông nghiệp năm 2019 đã cất cánh, với những con số ấn tượng: Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 11.543 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2018; giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác chủ động nước ước đạt 120 triệu đồng/năm. Vị thế ngành Nông nghiệp được nâng cao, khẳng định vai trò quan trọng của một trong những ngành kinh tế trụ cột, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp đang trên đà đi lên, với kỳ vọng đạt được nhiều thành quả trong thời gian tới.

Bước vào năm mới 2020, toàn ngành quyết tâm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với động lực là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhân rộng tưới tiết kiệm, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang canh tác cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; xây dựng các liên kết sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.