Trên vùng quê cách mạng năm xưa

Vạn Phước là một thôn đồng bằng của xã Phước Thuận (Ninh Phước), có diện tích tự nhiên trên 190 ha với địa hình được bao bọc bởi sông Quao và sông Dinh. Dù xã Phước Thuận là địa bàn tác nghiệp quen thuộc, nhưng mãi đến tháng chạp năm nay tôi mới trở lại Vạn Phước, tính ra đã ngót 7 năm trôi qua. Ngần ấy thời gian, dĩ nhiên làng quê này có nhiều thay đổi, điều bất ngờ là tôi được gặp lại anh Trịnh Quang Thảo, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban quản lý thôn và Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn.

Cách đây 7 năm, như đã có dự tính trước, ngay trong ngày kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945), Chi bộ thôn Vạn Phước đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2012-2014, đó cũng là lần đầu tôi biết anh Thảo. Tôi vẫn còn nhớ anh Lê Ngọc Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Phước Thuận lúc bấy giờ đã giải thích: Là thế hệ con cháu của những thanh niên, nông dân khởi nghĩa giành chính quyền ngày xưa, các đảng viên trong chi bộ muốn khơi lại hào khí của Cách mạng Tháng Tám, quyết tâm tiếp nối truyền thống cha ông, xây dựng làng quê thanh bình và giàu đẹp hơn. Những ngày giáp xuân Canh Tý này, dù tiết trời không phải của mùa thu, của tháng tám, nhưng về lại làng Vạn Phước, cùng anh Thảo đi trên cánh đồng lúa đông xuân đang trổ bông, chúng tôi không khỏi bâng khuâng nhớ về một thời kỳ lịch sử. Chính tại làng quê này, các đồng chí Trần Thi, Lê Hàn, Lê Thiệu, Nguyễn Đối, Lê Chưởng đã họp bàn chuẩn bị đón đầu thời cơ, tập trung lực lượng biểu tình, thị uy và phát động khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh ta thắng lợi vào ngày 21-8-1945. 

Vạn Phước có khoảng 2.865 người, ngày nay vẫn còn đó ngôi đình làng, một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, từng là nơi được Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ta chọn treo cờ đỏ búa liềm trong ngày Quốc tế lao động 1-5-1930. Cạnh đó không xa là nhà tưởng niệm cụ Trần Thi, vừa qua, nhờ vận động 65 hộ dân hiến 3.200 m2 đất, Vạn Phước đã hoàn thành bê tông đường nội thôn (dài 1 km) từ tỉnh lộ 708 vào đến đây với kinh phí 1,2 tỷ đồng (vốn nhà nước đầu tư). Theo lời kể của anh Thảo, nếu không có hộ bà Lê Thị Tư hiến 400 m2 đất đang trồng chuối, con đường sẽ không kịp tiến độ. Ở các con đường nội thôn khác, trung bình mỗi đoạn đường dài 30-40 m, rộng 1,5 m, người dân tự hình thành từng nhóm từ 5-10 hộ rồi tự thu tiền, tự tổ chức thi công và giám sát nên rất chất lượng. Trò chuyện với tôi, bà Ngô Thị Mạnh, một cư dân trong thôn, hồ hởi khoe: Tôi đóng 400 ngàn đồng để cùng mọi người làm đoạn đường hẻm bê tông trước nhà, từ khi trong thôn làm đường bê tông, việc đi lại vận chuyển hàng hóa thuận tiện khỏi phải nói.

Anh Trịnh Quang Thảo giới thiệu đoạn đường bê-tông được thực hiện do có hộ bà Lê Thị Tư hiến 400 m2 đất đang trồng chuối.

Trong những năm qua, trên nền tảng kết cấu hạ tầng hiện có và bằng việc phát huy tiềm năng của địa phương, sự chung tay góp sức của con em xa quê, Ban công tác Mặt trận thôn đã huy động nội lực của nhân dân thực hiện bê-tông 4 tuyến đường giao thông nội thôn; vận động nhân dân đổ đất sỏi, “cứng hóa” 100% các đường trục chính nội đồng; vận động đóng góp sửa chữa nhà văn hóa theo quy chuẩn, cổng thôn văn hóa, sân bóng đá… Để xây dựng các tuyến đường hoa trong thôn, Ban công tác Mặt trận thôn phát động nhân dân làm hàng rào, cổng ngõ, trồng cây xanh, hoa kiểng trước nhà hoặc dọc 2 bên đường, kết hợp thực hiện công trình thắp sáng đường quê, làm cho cảnh quan đường làng, ngõ xóm trong thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Theo anh Trịnh Quang Thảo, cùng với hạ tầng xây mới, Vạn Phước đã chuyển biến mạnh mẽ về sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nhờ có nguồn nước từ kênh Chàm đưa về, nông dân trong thôn đã chủ động sản xuất 3 vụ lúa hiệu quả (đã thực hiện mô hình cánh đồng lớn 70 ha trồng lúa), đạt năng suất bình quân 7-8 tấn/ha và mạnh dạn chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trồng trọt tuy được xác định là ngành sản xuất chính, nhưng gần đây Vạn Phước nổi lên nhiều mô hình làm ăn hiệu quả thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò, dê, cừu; đặc biệt có nhiều hộ kết hợp trồng nho, táo nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế. Điển hình không nói đâu xa mà chính ngay anh Thảo, với 2,5 sào táo kết hợp nuôi dê vỗ béo (mỗi đợt xuất chuồng 40 con) cộng với canh tác 7 sào ruộng lúa 3 vụ, bình quân thu nhập gia đình 30-40 triệu đồng/tháng. Anh Huỳnh Quốc An, một nông dân trồng táo trong thôn bộc bạch: Gia đình tôi có 1,5 sào táo, để tăng thu nhập, sắp tới cũng sẽ đầu tư làm chuồng trại nuôi dê theo mô hình gia trại.

Về Vạn Phước, cái nôi cách mạng đầu tiên của tỉnh, đi trên những con đường bê tông len lỏi giữa khu dân cư, tôi nhận ra sự đổi mới rõ nét bộ mặt nông thôn này. Phát huy vai trò chủ thể, người dân đang tạo dựng một làng quê tràn đầy sinh khí mới, hứa hẹn cho tương lai thôn Vạn Phước nông thôn mới kiểu mẫu. Bước vào năm Canh Tý 2020, trước những vấn đề mà cuộc sống đặt ra cho chi bộ thôn trong nhiệm kỳ tới, tôi tin rằng thế hệ con cháu hôm nay ở Vạn Phước sẽ tiếp nối truyền thống đấu tranh của cha ông từ những ngày hào hùng trong Cách mạng Tháng Tám. Hào khí ấy sẽ là động lực thúc giục cán bộ, đảng viên và nhân dân Vạn Phước có quyết tâm mới, nỗ lực tạo ra những bứt phá để xây dựng làng quê tương xứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước và tỉnh nhà.