Đẩy mạnh thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên

(NTO) Năm 2018, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề ra là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định số 1940/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 (Đề án 1940).

Qua gần một năm triển khai thực hiện Đề án 1940, 7/7 huyện, thành phố ban hành quyết định phê duyệt đề án sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên giai đoạn 2018- 2021, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.

Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là một trong những địa phương đi đầu triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1940. Các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố tiến hành sáp nhập ổn định tổ chức và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn ngay từ những ngày đầu năm học 2018- 2019. Theo đó, thành phố tiến hành sáp nhập 3 trường mẫu giáo gồm: Đạo Long có 4 lớp, Tấn Tài có 4 lớp, Kinh Dinh có 4 lớp thành Trường Mẫu giáo Anh Đào có 12 lớp, với 311 HS; sáp nhập hai trường mẫu giáo Vành Khuyên có 6 lớp và Mỹ Bình có 5 lớp thành Trường Mẫu giáo Vành Khuyên có 11 lớp, với 346 HS. Đồng thời sáp nhập Trường TH Văn Hải 3 có 11 lớp, gồm 232 HS với Trường THCS Lê Đình Chinh có 28 lớp, gồm 1.096 HS thành Trường TH và THCS Lê Đình Chinh. Đây là một trong những cơ sở giáo dục phổ thông nhiều cấp học được thành lập mới trên cơ sở sắp xếp mạng lưới trường, lớp học theo Đề án 1940.

Học sinh lớp 1 của Trường TH và THCS Lê Đình Chinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
học tập trong môi trường giáo dục thân thiện, trường lớp khang trang.

Thầy giáo Trần Ngọc Thông, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Lê Đình Chinh cho biết: Sau khi sáp nhập, Ban Giám hiệu nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm hoạt động dạy và học diễn ra nền nếp ngay từ những ngày đầu năm học mới 2018- 2019. Toàn trường hiện có 82 cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ, đảm nhận giảng dạy cho 1.382 HS. Trong đó, đầu cấp TH có 71 HS biên chế 3 lớp và đầu cấp THCS có 271 HS biên chế 7 lớp. Cơ sở trường lớp cấp TH và cấp THCS được xây dựng khang trang bảo đảm việc học tập của HS và cách nhau khoảng 100 m thuận lợi cho việc hội họp của giáo viên. Phòng GD&ĐT điều chuyển, sắp xếp vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nên không biến động lớn về nhân sự. Chi bộ nhà trường hiện có 34 đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, đoàn kết thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Toàn trường phấn đấu đến cuối năm học, duy trì sĩ số đạt trên 99%; 45% số HS xếp loại học tập khá- giỏi; 100% HS lớp 5 hoàn thành chương trình TH; 98% số HS lớp 9 tốt nghiệp THCS; Liên đội đạt vững mạnh xuất sắc…

Huyện Ninh Hải cũng đã tập trung đẩy mạnh việc sắp xếp trường lớp theo chỉ đạo của tỉnh. Ngay từ đầu năm học 2018- 2019, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tiến hành sáp nhập các điểm lẻ về cơ sở chính và sáp nhập một số trường TH có vị trí gần nhau thuận lợi cho việc đi lại học tập của HS. Cụ thể, huyện đã chuyển điểm học lẻ Hòn Thiên có 4 lớp, với 74 HS về điểm chính Trường TH Thủy Lợi (xã Tân Hải) hiện có 9 lớp, với 236 HS; sáp nhập Trường TH Tân An có 6 lớp, gồm 150 HS với Trường TH Khánh Hội có 9 lớp, với 197 HS thành Trường TH Khánh Hội (xã Tri Hải) có 15 lớp, với 411 HS. Sau khi sáp nhập, nhà trường có 31 viên chức được phân công đảm nhận công tác theo vị trí việc làm; dôi dư 5 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được điều động đến cơ sở mới và tinh giảm biên chế theo quy định. Thầy giáo Trương Văn Đại, Hiệu trưởng Trường TH Khánh Hội cho biết: Ngay sau khi sáp nhập, đơn vị khẩn trương ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học mới. Đến nay, bộ máy nhà trường đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu dạy và học của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sau hơn 2 tháng thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2018- 2019 và đẩy mạnh việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, nền nếp; tạo niềm tin vững chắc về chất lượng dạy và học đối với phụ huynh, HS. Ngành GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố và các sở, ngành đẩy mạnh đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Chỉ thị 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà cụ thể hóa là Đề án 1940. Đây là chủ trương đúng đắn, tạo động lực phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển, được cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh HS và các tầng lớp nhân dân đồng thuận cao; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.