Nhu cầu tư vấn mùa thi

Thời gian nộp hồ sơ dự thi Đại học, Cao đẳng đang đến gần và cũng là khoảng thời gian để các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh cùng vào cuộc, đắn đo trong việc tư vấn, lựa chọn ngành học, trường học cho con em của mình.

(NTO) Em Nguyễn Duy Thịnh, học sinh lớp 12 T1, Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước là một học sinh có học lực khá. Thành tích học tập của em cũng nghiêng hẳn về các môn khối tự nhiên. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, khi thời gian làm hồ sơ dự thi đại học, cao đẳng không còn bao lâu thì Thịnh vẫn chưa biết mình sẽ dự thi khối nào, ngành nào và ở trường nào. Thịnh cho biết: “Tiêu chí chọn ngành thi của em trước hết là phù hợp với khả năng của mình, đúng sở thích nhưng đồng thời cũng không quá sức với điều kiện kinh tế gia đình”.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An tham gia ngày hội tư vấn mùa thi năm 2011.

Đây cũng là tiêu chí của chung nhiều học sinh lớp 12 khác. Để có thể đưa ra một quyết định đúng đắn, phù hợp với các tiêu chí trên thì các em phải có thời gian để tìm hiểu thông tin một cách cụ thể nhất về những ngành học, trường học mà các em quan tâm. Khi tìm hiểu về ngành học, trường mà mình dự định thi vào, phần đông thí sinh chỉ tập trung quan tâm đến các chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ chọi, điểm chuẩn của các năm trước… Nhưng với những học sinh vùng nông thôn, điều kiện gia đình còn khó khăn như Thịnh thì ngoài khả năng thi đỗ và một môi trường học tập tốt, các em còn phải quan tâm đến mức học phí và các khoản đóng góp của trường, chỗ ở ký túc xá, các chế độ ưu đãi cho sinh viên, khả năng dành học bổng… Những thông tin trên về các trường đại học có lẽ cũng là điều mà nhiều học sinh lớp 12 hiện nay đang cần, nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được.

Nhiều học sinh khác cũng mong muốn có được những thông tin cụ thể về những ngành học mà mình lựa chọn thi vào như: ngành đó sẽ học những gì? Sau khi tốt nghiệp công việc cụ thể sẽ làm? Nhu cầu của xã hội đối với ngành học đó ra sao? Em Võ Thị Kim Thoa, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Ninh Hải chia sẻ: Em thích ngành Luật và cũng đã tìm hiểu để thi vào ngành đó nhưng vẫn boăn khoăn không biết liệu sau khi học ra trường, có thể về làm việc ở tỉnh mình được hay không”. Rất nhiều học sinh lớp 12 khác trên địa bàn tỉnh ta cũng trao đổi với chúng tôi rằng, các em mong muốn có được những buổi tư vấn mùa thi tổ chức ngay tại trường có sự tham gia của các anh chị sinh viên, hoặc những người đã tốt nghiệp đi làm để chia sẻ với các em về đặc thù một số ngành nghề, giúp các em hiểu và có sự lựa chọn đúng đắn.

Không chỉ học sinh mà ngay cả các thầy cô giáo và phụ huynh cũng có nhu cầu được cung cấp thông tin trong mùa tuyển sinh. Thầy Trần Ngọc Hùng, Hiệu phó, đồng thời là giáo viên dạy Toán của Trường THPT An Phước, huyện Ninh Phước cho biết: “Tôi nhận thấy hiện nay học sinh phần lớn chỉ chọn nghề theo quán tính hoặc trào lưu của bạn bè. Nhiều em không xác định được năng lực bản thân mình thì phù hợp với ngành nghề nào, hay ngành học mình đăng ký sau này sẽ làm gì…?”. Theo thầy Hùng, để tạo điều kiện cho thế hệ trẻ sau khi tốt nghiệp đại học được trở về cống hiến, xây dựng cho quê hương, thì ngay từ bây giờ, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh cũng cần xây dựng các chuyên mục tư vấn, giới thiệu các ngành nghề đang có nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nếu có… giúp các em có được những định hướng rõ ràng hơn.

Chị Phan Thị Ngọc, phụ huynh của em Phan Thanh Hương, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cũng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi có con chuẩn bị thi đại học nên cũng muốn tìm hiểu thêm thông tin để chăm sóc tốt hơn cho con. Bên cạnh những thông tin về công tác tuyển sinh, tôi rất mong báo chí, truyền hình có thêm những thông tin về chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp cho học sinh trong mùa thi, những chia sẻ của phụ huynh đã có con thi đại học để làm thế nào để kết quả thi như ý muốn mà không quá gây áp lực cho con”.

Bên cạnh sự đắn đo, lựa chọn ngành nghề thì những kỳ thi quan trọng trước mắt cũng là một thử thách không nhỏ đối với học sinh lớp 12. Việc học thi, ôn thi thế nào cho hiệu quả cũng là một vấn đề khiến nhiều em băn khoăn. Bên cạnh bài học trên lớp, trao đổi thêm bạn bè… rất nhiều học sinh cũng đề đạt mong muốn có được những chuyên đề học thi trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay cả trong trường học. “Chúng em muốn có được những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm học thi của thầy cô giáo trong tỉnh, kể cả các anh chị đi trước, các bạn học sinh giỏi đã từng đạt thủ khoa trong các kỳ thi… để rút ra kinh nghiệm cho mình và có cách học hiệu quả hơn” – Em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh bày tỏ.

Để học sinh của mình có được những sự lựa chọn đúng đắn trước kỳ thi đại học, cao đẳng, các trường THPT cũng cần có các hoạt động hỗ trợ. Đến thời điểm hiện nay, nhiều trường đã thường xuyên cập nhật các thông tin tuyển sinh mới nhất đến học sinh trong các buổi chào cờ, phát thanh của trường. Giáo viên bộ môn, chủ nhiệm các lớp 12 cũng dành thời gian nhiều hơn trong các buổi sinh hoạt ngoài giờ để trả lời thắc mắc của học sinh về cách học, ngành học… Đó cũng là sự hỗ trợ đúng đắn và cần thiết để học sinh lớp 12 vững tin trong các kỳ thi quan trọng sắp tới.