DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị lúa ở xã Phước Tân

(NTO) Là địa phương nằm trong vùng hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (HTTN), thời gian qua, Ban Phát triển xã Phước Tân (Bác Ái) đã vận dụng hiệu quả những hỗ trợ từ dự án để phát huy lợi thế sản xuất trong nông nghiệp tại địa phương. Trong các chuỗi giá trị, có thể nói chuỗi giá trị về cây lúa đang mang lại hiệu quả rất khả quan cho nông dân địa phương.

Theo đồng chí Pi-năng Ngọc, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phát triển xã, điều đáng mừng nhất tại địa phương, đó là sự đồng thuận cao từ phía người dân khi cùng tích cực tham gia vào dự án. Một số tiểu hợp phần có đối ứng, hay góp vốn để hưởng lợi đều được nông dân tham gia rất nhiệt tình. Từ khi dự án được triển khai đến nay, nhận thức của bà con trong việc phát triển sản xuất cũng đã có chuyển biến rõ rệt.

Nông dân thôn Đá Trắng chăm sóc lúa vụ đông – xuân 2016.

Qua đánh giá của Ban Phát triển xã, tác động của dự án HTTN qua gần 5 năm thực hiện tại địa phương là rất lớn. Ngoài 7 công trình hạ tầng chung, hạ tầng cơ sở (gồm 4 sân phơi, 2 công trình giao thông nông thôn và 1 công trình thủy lợi) đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất, thì nguồn hưởng lợi được đánh giá “có chiều sâu” lâu dài nhất đối với người dân đó là hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị, mà trọng tâm là các chương trình tập huấn “cầm tay chỉ việc” và hỗ trợ cây, con giống trực tiếp để người dân thực hiện. Điển hình nhất có thể kể đến là việc hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị về cây lúa tại địa phương.

Theo tìm hiểu, trước đây 2 cánh đồng lớn của xã Phước Tân là Suối Vớ và Lưỡi Mẫu nằm trên địa bàn thôn Ma Ty và thôn Đá Trắng thường xuyên bị bỏ hoang, mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ, năng suất sau thu hoạch đạt rất thấp. Từ năm 2013, sau khi hệ thống thủy lợi Trà Co và đập dâng Ma Lâm hoàn thành đưa vào sử dụng, từ nguồn kinh phí Chương trình 30a, huyện Bác Ái đã cải tạo hơn 30ha diện tích lúa tại khu vực này để giúp nông dân cải thiện sản xuất. Tuy nhiên, canh tác lúa của bà con vẫn còn theo lối manh mún, "da beo" kiểu truyền thống, nên hầu hết các diện tích sản xuất chưa đạt. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Dự án HTTN, thông qua nhiều lớp tập huấn trực tiếp tại hiện trường và hỗ trợ thêm các khoảng đầu tư phụ như: phân bón, giống, kỹ thuật…việc sản xuất lúa của nông dân xã Phước Tân đã có những chuyển biến rõ rệt, các diện tích sản xuất ngày một được mở rộng và nâng cao năng suất. Hiện nay, sản xuất lúa tại 2 cánh đồng chính của xã đã tăng từ 1 vụ/năm lên 3 vụ/năm, diện tích gieo trồng từ 30ha/vụ lên đến gần 90ha/vụ; năng suất bình quân đạt 4,2 – 4,5 tạ/sào (tăng gần 1 tạ/sào so với trước).

Đồng chí Pi năng Ngọc, cho biết thêm: Năm 2015, Dự án HTTN hỗ trợ cho địa phương 3 máy cày tay, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên bà con xuống giống rất đều vụ. Riêng trong vụ mùa 2015 vừa qua, toàn xã xuống giống gần 95 ha, sau khi thu hoạch hầu hết các diện tích lúa đều đạt gần 4,5 tạ/sào. Riêng trong vụ đông-xuân này, dựa trên nguồn nước đủ điều kiện sản xuất của hồ Trà Co, địa phương đã xuống giống gần 60ha. Tính đến nay, Ban Phát triển xã Phước Tân đã vận động thành lập được 1 nhóm sở thích trồng lúa, với gần 110 thành viên, được chia làm 7 tổ trên địa bàn 3 thôn. Qua hiệu quả của việc phát triển cây lúa, hiện có rất nhiều hộ trong các tổ đã cải thiện đời sống nhờ cây lúa như: hộ ông Bo Bo Khuyển, hộ bà Katơ Thị Ín (thôn Đá Trắng), hộ ông Pi-năng Ngân (thôn Ma Ty)…

Có thể nói, song song với các chuỗi giá trị khác thì việc hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị về cây lúa hiện đang mang lại hiệu quả rất khả quan cho nông dân xã Phước Tân. Qua đánh giá của Ban Phát triển xã, điều này không chỉ phù hợp với quy hoạch phát triển của xã, mà còn biến nhiều vùng đất hoang hóa trước đây thành những cánh đồng bằng phẳng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, từng bước cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.