Phát triển chuỗi giá trị thông qua các quỹ dự án

(NTO) Trước tình hình nắng hạn kéo dài ở đa phần các xã dự án, ngay từ đầu năm 2015, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo dự án tỉnh điều chỉnh phương pháp quản lý và điều phối phù hợp. Theo đó dự án đã triển khai 494 hoạt động với kinh phí hơn 193 tỷ đồng. Dù tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch tổng thể nhưng nhìn chung dự án đã đạt một số kết quả quan trọng.

Theo ông Vũ Minh Tuyên, Giám đốc PCU, có thể thấy kết quả rõ nét nhất mà dự án đạt được qua thực hiện Hợp phần 2 “Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo”. Tiếp tục triển khai 8 chuỗi giá trị đã được xác định và các chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương, thông qua các mô hình được đầu tư từ các nguồn quỹ CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), CSG (Quỹ Tài trợ dự án nhỏ canh tranh), SCG (Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ) và CBG (Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp), dự án đang tạo ra tác động giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể dự án đã hỗ trợ 1.888 con bò, 1.069 con dê và 1.191 cừu, 236 heo đen, 196 tấn mía giống, 26.924 cây chuối giống, 15.000 gốc nho, hơn 9.800 con gà giống, 3.000 con vịt cho các tổ nhóm sản xuất. Ngoài ra dự án còn hỗ trợ nhiều vật tư, phân bón, cây con giống và trang thiết bị cho hơn 4.500 hộ dân trồng lúa, bắp, măng tây xanh, táo, tỏi, hành ... được hưởng lợi. Nhằm cải tạo giống bò địa phương, dự án đã đầu tư 6 điểm dịch vụ thú y và thụ tinh nhân tạo tại 6 huyện, đã thụ tinh hơn 1.000 liều cho đàn bò (2 liều tinh/con) tại các xã dự án, đến nay đã có 258 bò con được sinh ra.

 
Bò nuôi do dự án hỗ trợ được chuyển giao cho nhóm cùng sở thích ở Phước Đại (Bác Ái).

Theo kết quả khảo sát thường niên 2015, có 45,5% thành viên tham gia nhóm cùng sở thích (được tài trợ bởi CDF) có thu nhập tăng so với trước khi tham gia nhóm. Số còn lại sở dĩ chưa đánh giá được bởi chu kì sản xuất chưa kết thúc. Nhìn riêng rẽ hoạt động từng quỹ dự án, có thể thấy rõ tác động tích cực đối với phát triển chuỗi giá trị. Ở Quỹ CSG, tính từ đầu dự án đến nay đã tài trợ 12,045 tỷ đồng cho 125 đề xuất theo 16 lĩnh vực sản xuất với 1.242 người được hưởng lợi, trong đó có 2 hộ kinh doanh cá thể. Tất cả các đề xuất đều có kết nối với khối tư nhân trong tiêu thụ sản phẩm và phương án bảo tồn vốn cho các đợt sản xuất tiếp theo bền vững. Về quỹ CBG, dưới sự điều phối vận hành của Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh, dự án đã hình thành được 10 mô hình liên kết sản xuất, đã tài trợ cho 10 doanh nghiệp để kết nối với hơn 800 hộ sản xuất thuộc các chuỗi giá trị bắp, lúa, nho, táo, tỏi, chuối, heo đen, dê, bò và cừu. Trong tổng số vốn thực hiện là 14,929 tỷ đồng, dự án tài trợ 6,923 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng, máy móc thiết bị và hỗ trợ một phần chi phí đầu vào phục vụ sản xuất, đồng thời tập huấn nâng cao năng lực, thu mua nông sản cho người dân.

Đặc biệt là qua triển khai quỹ SCG, dự án đã thành lập được 112 nhóm Tiết kiệm-Tín dụng (TK-TD) phụ nữ tại 26 xã dự án của 6 huyện, đến nay SCG đã giải ngân 15 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Các hộ phụ nữ vay chủ yếu đầu tư vốn vào chăn nuôi và trồng trọt, có 1.383 thành viên (chiếm 86,82%) vay đầu tư vào chăn nuôi (bò, dê, cừu, heo, gà, vịt); 178 thành viên (chiếm 11,17%) vay đầu tư vào trồng trọt (nho, táo, mãng cầu, dừa, ớt, bắp, lúa); 32 thành viên (chiếm 2,01%) vay đầu tư vào kinh doanh nhỏ. Theo kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy sau khi tham gia nhóm TK-TD, có 59,6% thành viên phụ nữ có thu nhập tăng, có 57,1% hộ gia đình có thành viên tham gia nhóm TK-TD có tổng thu nhập tăng. Đáng chú ý có 82% thành viên nhóm khẳng định sự thay đổi tích cực về thu nhập của bản thân và gia đình là liên quan đến khoản vay từ Quỹ SCG.