Được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Phước Chiến xác định đây là cơ hội tốt để tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững. Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Phát triển xã đưa ra giải pháp hữu hiệu, giúp các hộ ở thôn Đầu Suối B vươn lên thoát nghèo là hỗ trợ vật nuôi mới, cụ thể là cừu. Cơ sở để xây dựng mô hình nuôi cừu là nhờ trong thôn có hộ anh Trần Xuân Dương đã thực hiện có hiệu quả. Anh Dương, cho biết: Với hình thức nuôi dê nhỏ, lẻ không thể làm giàu được, nên tôi đã tự học hỏi kinh nghiệm và chuyển qua nuôi cừu. Sau thời gian ngắn chăm sóc, tôi thấy vật nuôi này phù hợp với điều kiện tự nhiên miền núi Phước Chiến, đặc tính thuần thục của cừu giúp hộ nuôi không phải đầu tư nhiều công sức trong chăm sóc.
Đàn cừu của nhóm cùng sở thích nuôi cừu thôn Đầu Suối B ngày càng phát triển.
Từ ưu điểm vượt trội của cừu, tháng 12-2014, Ban Phát triển xã Phước Chiến thành lập Nhóm cùng sở thích nuôi cừu thôn Đầu Suối B, vận động anh Trần Xuân Dương làm nhóm trưởng, giúp đỡ các thành viên cùng phát triển. Nhờ có sự đầu tư của Dự án Hỗ trợ Tam nông, mỗi thành viên trong nhóm được cấp 5 con cừu sinh sản, với 12 thành viên, tổng số cừu được hỗ trợ là 60 con. Tuân thủ sự hướng dẫn của nhóm trưởng, các thành viên thống nhất nuôi theo hình thức ban ngày tập trung chăn thả theo đàn, tối đến cừu nhà nào về chuồng nhà nấy để thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc thú y. Tận dụng bãi cỏ dồi dào ven hồ Sông Trâu làm nơi chăn thả, nên cừu trong nhóm phát triển nhanh, đến nay tổng đàn tăng lên hơn 100 con. Chị Chamaléa Vắng, phấn khởi: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào trồng trọt, nay nhờ được hỗ trợ cừu giống gia đình có điều kiện phát triển chăn nuôi. Sau hơn một năm tham gia nhóm cùng sở thích chăn nuôi, gia đình đã có đàn cừu 10 con, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Tết Bính Thân vừa rồi, được sự đồng ý của nhóm trưởng, tôi bán 1 con cừu thịt được 2 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Không riêng gì chị Vắng, các hộ Chamaláe Thị Huy, Pinăng Duân, Chamaléa Thị Ngấm… cũng đã thu lợi nhuận từ nuôi cừu, cuộc sống vì thế khấm khá hơn trước.
Anh Trần Xuân Dương, thổ lộ: Hoạt động của Nhóm cùng sở thích nuôi cừu ở thôn Đầu Suối B đạt hiệu quả, đó là nhờ nhóm chọn được đối tượng vật nuôi phù hợp, cách thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra. Trước đây, do thiếu thông tin thị trường nên sản phẩm cừu thịt bị thương lái ép giá. Gần đây, thông qua giới thiệu của Hội Nông dân huyện, nhóm đã thiết lập được kênh phân phối sản phẩm với số lượng một lần bán vài ba chục con. Để đảm bảo cung cấp nguồn hàng thường xuyên cho các cơ sở giết mổ gia súc, nhóm đang xây dựng kế hoạch nhân tổng đàn lên khoảng 300 con vào cuối năm nay. Lường trước khả năng khi tổng đàn tăng đòi hỏi phải tạo được nguồn thức ăn gia súc dồi dào, nhóm đã kiến nghị với đơn vị chức năng hỗ trợ phát triển trồng cỏ.
Theo đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến: Nuôi cừu có ưu điểm vượt trội ở chỗ sớm cải thiện được đời sống cho nông dân, phù hợp với trình độ của bà con miền núi. Cừu sinh sản nhanh, tốc độ nhân đàn cao, dự kiến đến cuối năm, bình quân mỗi thành viên trong Nhóm cùng sở thích sẽ có 20 con cừu, đủ điều kiện thoát nghèo. Hướng đến phát triển nuôi cừu bền vững, Ban Phát triển xã đang tích cực giúp đỡ nhóm xây dựng kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí để trồng cỏ và làm chuồng trại đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Anh Tùng