Ông Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban phát triển Tam nông xã, cho biết: Qua rà soát, đánh giá về sự tác động và những chuyển biến từ khi Dự án HTTN được triển khai, có khá nhiều chuỗi giá trị được hình thành và đang phát huy hiệu quả. Điển hình như 2 chuỗi giá trị về chăn nuôi gồm: Cừu ở thôn Mỹ Hiệp và dê ở thôn Phú Thạnh, bước đầu đã tạo được sinh kế cho nhiều hộ nghèo khi giai đoạn luân chuyển con giống được thực hiện. Trong đó, có nhiều hộ nghèo đã có ít nhất từ 5 đến 7 con cừu, dê làm vốn, tạo sinh kế sau này.
Nông dân thôn Phú Thạnh phát triển diện tích bắp nhân giống theo hướng liên kết với doanh nghiệp.
Không chỉ ưu tiên phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, với diện tích đất tự nhiên khoảng 12.870 ha; trong đó, đất nông nghiệp hơn 4.500 ha, nhiều khu vực luôn chủ động được nguồn nước, xã Mỹ Sơn có điều kiện thuận lợi để hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Mía, mì, thuốc lá, bắp… Từ chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, đến nay, xã đã hình thành vùng trồng cây thuốc lá với quy mô trên 350 ha, lúa khoảng 330 ha, bắp thương phẩm và bắp nhân giống khoảng 475 ha…. Trong số các diện tích cây trồng đã được hình thành, ngoài cây thuốc lá là cây trồng chủ lực, tạo được mối liên kết với các doanh nghiệp cùng hợp tác để phát triển, thì cây bắp cũng bước đầu hình thành các mối liên kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo bước phát triển bền vững từ đầu vào cũng như đầu ra cho nông dân.
Trên cơ sở đó, đến nay xã Mỹ Sơn đã hình thành được 4 nhóm sở thích trồng bắp, với phần lớn diện tích và thành viên tập trung tại thôn Phú Thạnh. Sau khi được thành lập, từ nguồn quỹ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) về phân bón, giống, kinh phí cải tạo đất… Đặc biệt, qua tác động của dự án, các nhóm đã ký hợp đồng liên kết được với 3 doanh nghiệp trong tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố để phát triển chuỗi giá trị bắp nhân giống với các loại giống LVN 8960, LVN 885, LVN 10... Nhờ sự hỗ trợ và liên kết được với các doanh nghiệp, việc sản xuất bắp của người dân đang bước đầu được “thông suốt” từ đầu vào và đầu ra. Không những thế, năng suất và thu nhập của nhiều hộ cũng tăng cao hơn trước. Theo chị Vày Sắc Mùi, Trưởng nhóm chuỗi giá trị bắp nhân giống (tổ số 1) thôn Phú Thạnh, cho biết, 10 thành viên nhóm chị có diện tích sản xuất bắp nhân giống hơn 90 ha, phần lớn đều ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, một số ít thì liên kết với tư thương bên ngoài. Vụ thu hoạch mới đây, năng suất bắp nhân giống bình quân của các thành viên nhóm chị đạt gần 8 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn so với giống cũ, các hộ trồng thu lãi gần 6 triệu đồng/sào. Hiện tổ của chị đang có thêm nhiều thành viên làm hồ sơ đăng ký mở rộng nhóm để cùng sản xuất.
Có thể nói, ưu thế nổi bật trong phát triển chuỗi giá trị bắp ở Mỹ Sơn chính là đã tạo được liên kết với các doanh nghiệp, nên nông dân đã mạnh dạn, chủ động tham gia vào sản xuất, đây là một điểm rất đáng mừng trong việc triển khai thực hiện phát triển các chuỗi giá trị tại các xã nằm trong vùng Dự án HTTN. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì hiện nay, chuỗi giá trị bắp của Mỹ Sơn chủ yếu tập trung vào diện tích sản xuất bắp nhân giống; đối với các diện tích bắp thương phẩm tại một số khu vực khác trên địa bàn xã vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên còn hạn chế đầu ra, điều đó cũng tạo không ít nỗi lo cho người dân khi mùa thu hoạch đến.
Nguyễn Sơn