Dự án Hỗ trợ Tam nông (Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn) tỉnh được Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ có hiệu lực từ ngày 25-2-2011, được triển khai thực hiện tại 27 xã thuộc 6 huyện của tỉnh ta. Sau khi được gia hạn thêm 1 năm, dự án đã kết thúc hoạt động vào ngày 31-3-2017. Đồng chí Vũ Minh Tuyên, Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh (PCU) đánh giá: “Qua 6 năm triển khai thực hiện, toàn dự án đạt yêu cầu về hiệu quả hoạt động; hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt; nhân dân vùng dự án có thu nhập tăng cao, đời sống được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như ổn định tình hình an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ở trẻ em; đóng góp một phần vào công cuộc xây dựng NTM tỉnh nhà”. Đóng góp thấy rõ trước hết ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thông qua triển khai đầu tư từ các nguồn lực, dự án đã hỗ trợ xây dựng 194 công trình hạ tầng công, cụ thể gồm: 64.000 m đường giao thông nông thôn, 11 cống và cầu, trên 26.500m công trình kênh mương, tưới tiêu và 4.700m2 công trình chợ, xây dựng 46 sân phơi, 2 ao chứa nước, 1 giếng nước và 2 hệ thống điện.
Từ hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông, nông dân thôn Bảo Vinh, xã Phước Vinh (Ninh Phước)
đầu tư phát triển chăn nuôi cừu. Ảnh: B.T
Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng nông thôn, từ các hoạt động tổ chức sản xuất, tăng cường dịch vụ tài chính, nâng khả năng tiếp cận thị trường cho các hộ nghèo và cận nghèo, Dự án đã tác động tích cực đến việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở các xã vùng dự án. Kết quả điều tra cho thấy 60% số thành viên hộ của các nhóm đồng sở thích đã tăng hơn 25% thu nhập, đáng nói là trong số các hộ hưởng lợi này có 41% hộ nghèo và cận nghèo đã đạt được mục tiêu này và đã có 70% số phụ nữ là thành viên của các nhóm đồng sở thích và nhóm tiết kiệm tín dụng tăng thu nhập 20%. Nhờ các khóa tập huấn từ dự án, cùng với hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ sau tập huấn, đã có trên 80% số hộ áp dụng vào trồng trọt và trên 90% áp dụng trong chăn nuôi, và có 64.6% áp dụng kỹ năng bán hàng và giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Trong bối cảnh hạn hán kéo dài trong những năm 2014-2016, năng suất một số loại cây trồng và vật nuôi vẫn được cải thiện; tổng sản lượng nho, táo, mía, lúa và khoai mì tăng đáng kể, lần lượt là 166%, 138%, 22%, 19% và 4% so với năm 2011.
Theo PCU, dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, song bước đầu Dự án đang dần giải quyết các nhu cầu của người dân tộc thiểu số, người nghèo, bổ sung cho các hoạt động được đề ra trong tiến trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020 ở tỉnh ta. Điển hình như Tân Hải (Ninh Hải), xã đạt chuẩn NTM năm 2015, do nguồn lực hạn chế, Tân Hải đã tranh thủ nguồn vốn lồng ghép từ nhiều chương trình dự án, trong đó nổi bật là Dự án Hỗ trợ Tam nông đã giúp xây dựng 2 tuyến đường bê-tông nội đồng dài 1.107m và bê-tông 2 sân phơi nông sản với tổng diện tích 3.610 m2. Tại huyện Ninh Phước, trong 5 xã đạt chuẩn NTM (Phước Thái, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Vinh và Phước Hậu) đã có Phước Vinh và Phước Thái, kể cả xã An Hải sắp hoàn thiện các tiêu chí NTM, là 3 xã thuộc vùng dự án. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, Phó Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 huyện Ninh Phước khẳng định: “Thực tế của các xã vùng dự án chứng minh rõ sự đóng góp tích cực của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển chuỗi giá trị sản xuất...Vì vậy với dự án giai đoạn 2 sắp triển khai, Ninh Phước sẽ có nhiều cơ hội để tác động nhanh tiến trình xây dựng NTM”.
Hiện nay, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh ta đang tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các xã An Hải (Ninh Phước) và Thanh Hải (Ninh Hải) đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017. Các sở, ngành, hội, đoàn thể được phân công chủ động phối hợp cùng các huyện hỗ trợ nâng chất lượng tiêu chí các xã. Theo đồng chí Lê Kim Hiếu, Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, từ kinh nghiệm đã qua, có thể thấy chính việc lồng ghép các chương trình, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực. Vì vậy, việc triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông giai đoạn 2 với tên gọi mới là Dự án Phát triển kinh doanh nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh sẽ tăng cường đáng kể nguồn lực đầu tư xây dựng NTM ở tỉnh ta.
Bạch Thương