DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tác động qua 5 năm thực hiện dự án ở huyện Thuận Bắc

(NTO)Từ tháng 4-2011, sau khi được chọn triển khai vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông tại 4 xã Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải và Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc xác định phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi và nông sản hàng hóa thuộc lợi thế của các xã trên.

Khi bắt đầu triển khai, 4 xã nói trên có dân số khoảng 5.457 hộ (đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai và Chăm), trong đó có 1.702 hộ nghèo và 944 hộ cận nghèo. Để đạt mục tiêu tổng thể cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình vùng dự án một cách bền vững, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Thuận Bắc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án. Trong 5 năm qua, với tổng kinh phí 27,127 tỷ đồng (đạt 91,09% vốn kế hoạch ngân sách tỉnh phê duyệt), trong đó có 23,175 tỷ đồng vốn của IFAD (Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp), DASU Thuận Bắc đã khẩn trương triển khai thực hiện các hợp phần của dự án. Được tiếp cận các kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, các hộ nghèo và cận nghèo đã ứng dụng vào hoạt động sản xuất, nâng cao mức thu nhập. Theo khảo sát thường niên năm 2016, có 60% hộ gia đình thành viên các nhóm cùng sở thích cho biết thu nhập của họ đã tăng 20-25% sau khi tham gia nhóm. Anh Đinh Thanh Tuấn, cán bộ đại diện DASU Thuận Bắc cho biết: “Người dân đang được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án, đến nay các chuỗi giá trị (giống cây trồng, vật nuôi) đạt được kết quả bước đầu đáng phấn khởi”.

Nhóm cùng sở thích trồng chuối thôn Đầu Suối A xã Phước Chiến
được dự án hỗ trợ phát triển, từng bước cải thiện đời sống.

Dựa vào thế mạnh của các cây trồng, vật nuôi huyện nhà, DASU Thuận Bắc đã lựa chọn 5 chuỗi giá trị (bò, dê, cừu, heo đen, chuối) và 4 chuỗi giá trị tiềm năng (gà, lúa, bắp, khoai mì), đồng thời lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên trên địa bàn các xã dự án. Để phát triển các chuỗi giá trị, DASU Thuận Bắc đã thành lập được 36 tổ nhóm đồng sở thích, bao gồm 24 nhóm chăn nuôi bò, 8 nhóm chăn nuôi dê, 5 nhóm chăn nuôi cừu, 1 nhóm chăn nuôi heo đen và 1 nhóm trồng chuối với tổng số thành viên tham gia là 476 người (trong đó 84,87% là người dân tộc thiểu số, 30,46% là phụ nữ). Từ cuối năm 2014, Thuận Bắc bắt đầu thực hiện chuyển giao các mô hình và con giống nuôi cho các hộ nghèo và cận nghèo của huyện. Cụ thể DASU huyện phối hợp cùng xã chuyển giao 20 con bò sinh sản cho 10 hộ nghèo ở các thôn Suối Le (xã Phước Kháng), Xóm Bằng (xã Bắc Sơn), hỗ trợ cỏ và 16 con bò giống cho 8 nhóm cùng sở thích nuôi bò tại 4 xã dự án. Đối với nhóm sở thích nuôi heo đen duy nhất (gồm 20 hộ) tại thôn Suối Đá (xã Lợi Hải) được hỗ trợ 120 con heo, mỗi hộ 6 con. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ 50% tiền xây dựng chuồng trại và 40% tiền mua thức ăn. Đặc biệt, để phát triển sản xuất và kinh doanh theo các chuỗi giá trị ưu tiên, Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) đã hỗ trợ hàng chục chuồng bò, dê, cừu và cấp cho nông dân các nhóm 181 con bò, 568 con dê, 366 con cừu và xây 15 hầm biogas.

Bên cạnh phát triển các chuỗi giá trị của các nhóm cùng sở thích, DASU Thuận Bắc còn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn từ nguồn vốn Quỹ CDF cho các xã vùng dự án. Theo đó đã hoàn thành tổng cộng 42 công trình, trong đó bê-tông hóa 18 công trình đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10.154m phục vụ chủ yếu cho chuỗi giá trị lúa, bắp, dê, cừu, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản cho bà con; nâng cấp và sửa chữa 18 công trình kênh mương với tổng chiều dài 11.510m để dẫn nước đến các vùng thiếu nước, nâng cao năng suất cây trồng, ứng phó khô hạn; đầu tư xây dựng 3 sân phơi nông sản với tổng diện tích 1.950 m2 mang lại hiệu quả cao, đào 3 ao nước phục vụ sản xuất thôn Xóm Bằng; xây dựng hệ thống đường điện 600 m vào khu sản xuất Tà Lốc-Xóm Bằng, xã Bắc Sơn. Các công trình hạ tầng công cộng, hạ tầng sản xuất, sân phơi nông sản được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Quỹ CDF đã tạo thuận lợi cho việc phục vụ 5 chuỗi giá trị trong vùng dự án.

Nhìn chung, qua 5 năm triển khai thực hiện, những hoạt động của dự án đã đem lại cơ hội cho các hộ nghèo và cận nghèo trong vùng dự án Thuận Bắc cải thiện cuộc sống. Từ những thành quả đạt được, để kế thừa và tiếp tục thực hiện mục tiêu dự án, trong thời gian tới DASU Thuận Bắc đặt trọng tâm củng cố các tổ nhóm cùng sở thích và kết nối với các doanh nghiệp; huy động các nguồn lực từ dự án và các chương trình khác hỗ trợ cho các tổ nhóm và doanh nghiệp liên kết sản xuất-kinh doanh theo các chuỗi giá trị ưu tiên.